Hải Dương: Phát lộ nhiều sai sót tại dự án nhà máy rác trăm tỷ!

Dự án Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà (Hải Dương) qua nhiều lần đổi chủ vẫn hoạt động kém hiệu quả. Qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm tại dự án trăm tỷ này.

Dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt năm 2002 (điều chỉnh năm 2007, 2009) với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 137.438.914.000 đồng, gồm vốn ODA của Tây Ban Nha là 59.761.800.000 đồng và vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 77.677.114.000 đồng.

UBND tỉnh Hải Dương là cơ quan chủ quản Dự án; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (nay là Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương) là Chủ dự án tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Tây Ban Nha.

Dự án khởi công xây dựng từ ngày 2/12/2009; nghiệm thu hoàn thành toàn bộ dây chuyền thiết bị của Nhà máy ngày 5/7/2012 và giao cho Công ty Cổ phần Môi trường APTSeraphin Hải Dương quản lý, vận hành Nhà máy theo phương án được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 2285/QĐ-UBND ngày 9/10/2012. Năm 2016, Dự án được chuyển giao nguyên trạng cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương.

Nhiều Sở bị gọi tên liên quan sai phạm

Thanh tra đột xuất đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và chuyển giao thực hiện Dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương, Thanh tra tỉnh Hải Dương phát hiện nhiều hạn chế, thiết sót:

Cụ thể, cơ quan tín dụng Tây Ban Nha (ICO) chậm thông báo cho Bộ Tài chính ghi thu ngân sách Trung ương và ghi chi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để cho vay lại đối với Chủ dự án số tiền 14.698.191.132 đồng dẫn đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Hải Dương thông báo ký nhận nợ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương thiếu 14.698.191.132 đồng.

 Nhiều sai phạm tại dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương. Ảnh: ST

Nhiều sai phạm tại dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương. Ảnh: ST

Trong quá trình bàn giao Nhà máy từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương quản lý, sử dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị và Phương án tiếp nhận Nhà máy của Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương, được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh Hải Dương, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương làm Chủ đầu tư, thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Chủ dự án.

Việc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bàn giao Nhà máy từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương (doanh nghiệp ngoài nhà nước) quản lý, sử dụng theo hình thức bàn giao nguyên trạng là không đúng theo quy định tại Mục 2, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; Chương II Thông tư số 87/2010/TT-BTC ngày 15/6/2010 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước khi dự án kết thúc.

Phương án tiếp nhận Nhà máy của Công ty cổ phần Môi trường APTSeraphin Hải Dương được Sở Kế hoạch và đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt có nội dung Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương có trách nhiệm thay mặt UBND tỉnh trả gốc và lãi phần vốn vay ODA theo quy định của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, khi thẩm định Phương án tiếp nhận, Sở Kế hoạch và Đầu tư không tham mưu với UBND tỉnh xin ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 78/2010/NĐ-7 CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dẫn đến sau khi thực hiện bàn giao nguyên trạng Nhà máy theo phương án, Bộ Tài chính không chấp thuận việc chuyển giao Chủ dự án từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương theo đề nghị của UBND tỉnh, do Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương không đủ năng lực tài chính…

Đối với Sở Tài chính được UBND tỉnh giao tham mưu quản lý tài sản nhà nước tại tỉnh và quản lý phần vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, nhưng khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND tỉnh bàn giao Nhà máy từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương cho Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương chưa đúng theo quy định, Sở Tài chính không có văn bản báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh là chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao.

Kiến nghị xử lí tổ chức, cá nhân có liên quan

Do không đủ năng lực về tài chính, Công ty Cổ phần Môi trường APTSeraphin Hải Dương có Tờ trình số 02/TT-APT ngày 5/1/2015 trả lại Nhà máy cho tỉnh.

Ngày 3/11/2016, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 3151/QĐ-UBND về việc chuyển giao Dự án, trong đó thu hồi Dự án nhà máy do Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương đang quản lý để chuyển giao nguyên trạng cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương, kể từ ngày 1/11/2016.

Ngày 1/11/2017, Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương đã thực hiện bàn giao nguyên trạng Nhà máy cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương có sự chứng kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.

Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh Hải Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 03/11/2016 có nội dung chuyển giao nghĩa vụ trả nợ vốn vay ODA và giao Sở Tài chính “Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận chuyển giao chủ thể trả nợ đối với khoản vốn vay từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (nay là Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương) sang Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương” là chưa phù hợp với quy định tại Điều 16 Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ, vì trước khi quyết định chuyển giao nghĩa vụ trả nợ vốn vay ODA cần có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.

Sở Tài chính chưa tham mưu cho UBND tỉnh trong việc định giá giá trị tài sản trên đất còn lại của Nhà máy đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh theo nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 3/11/2016, dẫn đến việc Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán với UBND tỉnh các khoản chi phí được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cho Nhà máy theo giá trị định giá lại.

Để xảy ra các hạn chế, thiếu sót như đã nêu trên, trách nhiệm thuộc về: Cơ quan tín dụng Tây Ban Nha (ICO) chậm thông báo tình hình thực hiện giải ngân từng đợt để thanh toán theo hợp đồng và ghi nợ cho Bộ Tài chính. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách lĩnh vực và cán bộ có liên quan của Sở do có thiếu sót trong việc tham mưu với UBND tỉnh chuyển giao Nhà máy xử lý rác thải ODA từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương và từ Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương sang Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương.

Lãnh đạo Sở Tài chính phụ trách lĩnh vực và cán bộ có liên quan của Sở do chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu chuyển giao Nhà máy xử lý rác thải ODA từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương và tham mưu định giá giá trị tài sản trên đất còn lại của Nhà máy đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh khi thực hiện chuyển giao Nhà máy từ Công ty cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương sang Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương…

Qua đó, Chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể và cán bộ Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương, Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-duong-phat-lo-nhieu-sai-sot-tai-du-an-nha-may-rac-tram-ty-post314990.html
Zalo