Hải Dương: nhiều sai phạm tại dự án phế thải chăn nuôi

Dự án nhà máy phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ tại xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, có nhiều sai phạm nên Thanh tra tỉnh Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi tài sản là dây chuyền xử lý phế thải.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Hải Dương có kết luận về dự án nói trên. Theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh, dây chuyền xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ trước đó đã tạm bàn giao cho Công ty CP Việt Tiên Sơn năm 2016, giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương quản lý và phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan đề xuất phương án xử lý theo quy định hiện hành; giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tính tiền thuê đất đối với Công ty CP Việt Tiên Sơn từ thời điểm 10/3/2006 đến ngày 29/6/2017 và xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án xây dựng nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2004 tại khu trại giống lúa Quý Dương, xã Lai Cách (nay là xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương). Chủ đầu tư là Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương. Thực hiện dự án là Công ty CP Việt Tiên Sơn. Dự án rộng 1,42 ha với tổng số vốn đầu tư là 19,1 tỷ đồng, trong đó nguồn viện trợ gần 12 tỷ đồng.

Năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ và sản xuất hạt nhựa của Công ty CP Việt Tiên Sơn. Theo đó, dự án sử dụng đất 1,3 ha, tổng mức đầu tư dự án hơn 33,4 tỷ đồng. Quy mô dự án, xử lý 6.000 tấn phế thải chăn nuôi/năm, thu hồi 4.000 tấn phân hữu cơ/năm; sản xuất hạt nhựa tái sinh 5.000 tấn/năm. Mục tiêu dự án xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ và sản xuất hạt nhựa tái sinh.

Dự án xây dựng nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ. Ảnh: TTT

Dự án xây dựng nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ. Ảnh: TTT

Kết luận thanh tra nêu rõ, tại thời điểm tiếp nhận nguồn vốn ODA của Cộng hòa Séc (Quyết định số 2044/QĐ-UB ngày 25/5/2004 của UBND tỉnh Hải Dương), việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA thực hiện theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ.

Việc cho phép Công ty CP Việt Tiên Sơn là doanh nghiệp ngoài Nhà nước góp vốn đối ứng là thực hiện không đúng quy định của Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ. Trách nhiệm tham mưu chính thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương.

Việc UBND tỉnh Hải Dương giao cho Công ty CP Việt Tiên Sơn vận hành, sử dụng máy móc, thiết bị là tài sản Nhà nước là thiếu căn cứ. Việc giao tài sản Nhà nước cho Công ty CP Việt Tiên Sơn nhưng không xác định về lợi nhuận (nếu có) được phân bổ (trong khi Công ty CP Việt Tiên Sơn sử dụng tài sản Nhà nước), nghĩa vụ của Công ty CP Việt Tiên Sơn hoặc đơn vị có liên quan đối với tài sản Nhà nước dẫn đến từ khi chạy thử (năm 2005) đã hỏng, nhưng không được sửa chữa, không đơn vị nào chịu trách nhiệm sửa chữa dẫn đến hiện nay, theo khảo sát của ngành chức năng là dây chuyền xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ không khai thác, sử dụng từ năm 2005, đã cũ và lạc hậu, phần mô tơ bị cháy hỏng, gây lãng phí tài sản Nhà nước.

Thanh tra tỉnh Hải Dương cho rằng, trách nhiệm tham mưu chính thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương. Trách nhiệm liên đới thuộc về Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương do khi xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi cũng đề xuất đơn vị thực hiện dự án là Công ty CP Việt Tiên Sơn không có căn cứ.

Tuy nhiên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của người được giao đất, để Công ty CP Việt Tiên Sơn sử dụng diện tích đất thuộc dự án vào việc kinh doanh của Công ty không đúng nội dung của dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trách nhiệm tham mưu chính thuộc về việc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương. Liên quan đến trách nhiệm về Công ty CP Việt Tiên Sơn thực hiện không đúng nội dung dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra nêu rõ, trong các văn bản của Công ty CP Việt Tiên Sơn (khi báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh) đều khẳng định “Công ty đã và đang thực hiện đúng dự án được phê duyệt”. Nội dung báo cáo trên là không đúng thực tế vì khi chạy thử năm 2005 dây chuyền đã hỏng, không hoạt động được, Công ty đã hợp tác sản xuất với Công ty CP phân bón FITOHOOCMON sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh theo quy trình công nghệ của Fitohoocmon, theo mẫu bao bì và bản quyền của Công ty CP phân bón FITOHOOCMON, sử dụng máy móc, công nghệ do Công ty CP Việt Tiên Sơn trang bị, không sử dụng dây chuyền thiết bị của Cộng hòa Séc.

Dẫn đến việc cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư không chính xác về mục tiêu đầu tư khi điều chỉnh bằng Quyết định số 1107/QĐ-UBND ngày 5/4/2017 của UBND tỉnh Hải Dương. Trách nhiệm chính thuộc về Công ty CP Việt Tiên Sơn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện việc đánh giá thực hiện dự án nhà máy xử lý phế thải chăn nuôi thành phân hữu cơ tại Hải Dương, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Xác định hành vi vi phạm hành chính của Công ty CP Việt Tiên Sơn trong việc thực hiện không đúng nội dung dự án được UBND tỉnh phê duyệt từ thời điểm 10/3/2006, trường hợp còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Việt Tiên Sơn, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến các sai phạm đã nêu tại phần kết luận trên, xem xét có hình thức xử lý phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành.

Công ty CP Việt Tiên Sơn hoàn thiện dự án nhà máy sản xuất hạt nhựa và sản phẩm từ nhựa để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Đồng thời chấp hành nghiêm quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các nội dung dự án.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-duong-nhieu-sai-pham-tai-du-an-phe-thai-chan-nuoi.html
Zalo