Hải Dương có 170 di tích được số hóa thông tin
Theo Tỉnh đoàn Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 170 di tích đã được các cấp bộ Đoàn số hóa thông tin.
Từ năm 2022 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã phối hợp thực hiện số hóa thông tin 170 di tích. Trong đó có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Khi thông tin về di tích được số hóa, du khách đến tham quan chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể chủ động tìm hiểu toàn bộ nội dung liên quan về lịch sử hình thành, giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đặc điểm lễ hội, phong tục tín ngưỡng của di tích.
Công trình số hóa thông tin di tích có ý nghĩa quan trọng trong ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần quảng bá thông tin, hình ảnh về các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đến du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, toàn tỉnh cũng thành lập được 166 đội hình thanh niên tình nguyện giới thiệu di tích lịch sử văn hóa với hơn 1.500 thành viên.
Các thành viên có nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trên địa bàn bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng khác nhau, bảo đảm tính chính xác về nội dung thông tin và sự chỉ đạo của cấp trên.
Hải Dương hiện có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm: Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh), quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền và đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (huyện Cẩm Giàng), 142 di tích quốc gia và 280 di tích cấp tỉnh.