Hai dự án trên 'đất vàng' TPHCM của Tập đoàn Keppel được gỡ vướng sau 30 năm
Gần 30 năm chia tách, 2 dự án thành phần thuộc cụm 5 dự án Saigon Centre trên 'đất vàng' TPHCM vừa có hướng xử lý. Ngoài giải phóng mặt bằng, chỉ tiêu quy hoạch là vướng mắc chính.
Chưa hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn TPHCM.
Đối với nhóm 5 dự án bất động sản được UBND TPHCM đề xuất xử lý, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp cùng UBND TP xây dựng nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong 5 dự án này, Tập đoàn Keppel có 3 dự án. Ngoài Saigon Sports City quy mô 64ha tại TP Thủ Đức, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Singapore còn có 2 dự án tọa lạc ngay trung tâm TPHCM nhưng gặp vướng mắc gần 30 năm chưa thể triển khai.
Năm 1993, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp phép đầu tư lần đầu cho dự án Saigon Centre (số 92 – 94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1), quy mô 19.668m2. Mục tiêu của dự án này là xây dựng khách sạn, văn phòng và kinh doanh các dịch vụ khách sạn, căn hộ và cho thuê văn phòng.
Tháng 12/1996, Bộ KH-ĐT có quyết định chuẩn y việc phân chia Saigon Centre làm 5 dự án thành phần, gồm các dự án Saigon Centre I, II, III, IV và V. Hiện 3 dự án Saigon Centre I, II và III đã hoàn thành và đi vào sử dụng.
Hai dự án còn lại Saigon Centre IV (3.376m2) và V (5.247m2) có mục tiêu xây dựng cao ốc văn phòng, chủ đầu tư lần lượt là Công ty TNHH Keppel Land Watco IV và Công ty TNHH Keppel Watco V. Đây là hai doanh nghiệp trực thuộc Keppel Land.
Tại mỗi pháp nhân nói trên, Tập đoàn Keppel sở hữu 84% cổ phần thông qua hai công ty con. Số cổ phần còn lại tại mỗi công ty do Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco) nắm giữ.
Năm 2000, Công ty TNHH Keppel Land Watco IV và V đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai dự án. Mục đích sử dụng đất là làm văn phòng, dịch vụ căn hộ cho thuê, cửa hàng bán lẻ, bãi đậu xe. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 19/6/2043.
Về tiến độ, hiện hai dự án Saigon Centre IV và V vẫn đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, dự án Saigon Centre IV đã bồi thường gần 76% tổng diện tích dự án.
Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư hai dự án trên đã kiến nghị Bộ KH-ĐT điều chỉnh 4 nội dung, trong đó có tiến độ thực hiện. Cụ thể, hoàn tất các thủ tục, thi công và nghiệm thu công trình trong vòng 60 tháng kể từ ngày được bàn giao đất; thời hạn hoạt động của dự án thành 50 năm kể từ ngày được giao đất.
Dự án Saigon Centre II xây dựng sai chức năng và mục đích sử dụng đất
Tại báo cáo thẩm định vào tháng 12/2024, Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ điều chỉnh chủ trương cho dự án Saigon Centre IV và V. Trong đó, Bộ chỉ xem xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ về nội dung điều chỉnh thời hạn hoạt động của 2 dự án.
Theo UBND TPHCM, sau khi Thanh tra Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh thời hạn hoạt động của 2 dự án, vẫn còn 2 vướng mắc chính.
Cụ thể, hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại 2 dự án vẫn chưa hoàn tất. Một số doanh nghiệp và tổ chức chưa phối hợp bàn giao mặt bằng như: Phòng Hành chính Quản trị phía Nam thuộc Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải; Công ty Tedi South; Công ty Portcoast; Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà Thành phố.
Vướng mắc còn lại vấn đề đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch của các dự án thành phần sau khi chia tách từ dự án Saigon Centre ban đầu.
Theo đó, dự án Saigon Centre II có mục đích sử dụng đất và chức năng công trình khác với mục tiêu thực hiện ban đầu. Tuy nhiên, dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017 nên không thể thay đổi.
Để khắc phục cho dự án Saigon Centre II, UBND TPHCM cho biết cần điều chỉnh mục tiêu của 2 dự án Saigon Centre IV và V. Việc điều chỉnh này vẫn phải đảm bảo đầy đủ các hạng mục và phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch chung.
UBND TPHCM cho rằng, do cả 5 dự án thành phần Saigon Centre đều có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn nên việc điều chỉnh mục tiêu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.