Hai con trai bất lực, nước mắt trực trào khi bố ung thư đòi chữa bằng phơi nắng

Nhiều gia đình đang trong tình cảnh cha mẹ cao tuổi bỏ qua hết những lời khuyên can từ con cái về chữa bệnh, chạy theo các trào lưu chữa mẹo, 'chữa lành' từ trên mạng.

LỜI TÒA SOẠN

Giữa vô vàn quảng cáo về các loại “thần dược” trên mạng và qua mách bảo của người quen, một số người cao tuổi vô tình trở thành nạn nhân của những cái bẫy nguy hiểm. Lời hứa hẹn “chữa khỏi nhanh chóng” chỉ bằng vài viên thuốc đã khiến họ đặt trọn niềm tin, bất chấp cảnh báo từ con cái và bác sĩ. Hậu quả là không ít trường hợp rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang, thậm chí đe dọa tới tính mạng.

Báo VietNamNet đăng tải loạt bài: Con cái bất lực vì bố mẹ già mắc bẫy "thần dược" phản ánh thực trạng đáng lo ngại trên.

Bài 1: Bố mẹ chi 20-25 triệu ‘chữa bệnh’ trên mạng mỗi tháng, con bất lực khuyên can

Bài 2: Con điện thoại từ nước ngoài khóc van nài bố mẹ ở quê đừng 'chữa bệnh' trên mạng

"Liên tục học theo mạng xã hội, có trưa nắng mẹ ra sân ngồi"

Chị Nguyễn Nguyệt Linh (Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện từ gia đình. Theo chị Linh, từ ngày có điện thoại thông minh, người mẹ gần 70 tuổi của chị thường xuyên xem các thông tin về sức khỏe trên mạng xã hội.

Vài ngày, bà lại học theo một công thức bảo vệ cơ thể khác nhau. Gần đây nhất, mỗi trưa nắng, bà ra sân ngồi. Sót cho sức khỏe của mẹ, chị Linh góp ý nhưng bà không nghe vì cho rằng đây là lối sống xanh, "chữa lành" tế bào và thải độc cơ thể.

“Mẹ tôi bị táo bón, nghe trên mạng nói về việc ăn sung chữa bệnh này, bà mua rất nhiều về ép nước, muối và ăn tới mức bệnh nặng hơn nên phải bỏ. Chúng tôi chưa kịp mừng, mẹ lại chuyển sang uống nước chanh, phơi nắng giữa trưa”, chị Linh bất lực nói.

Hai ngày trước, chị Linh phát hiện mẹ gia nhập hội nhóm về thải độc đại tràng bằng cà phê. Chị gửi ngay những thông tin về ca cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho bà xem nhưng vẫn không thể can ngăn.

Một ca cấp cứu sau khi học theo trên mạng uống hoa đu đủ suốt nhiều tháng trị viêm gan. Ảnh: Thanh Đặng.

Một ca cấp cứu sau khi học theo trên mạng uống hoa đu đủ suốt nhiều tháng trị viêm gan. Ảnh: Thanh Đặng.

Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội) kể về nam bệnh nhân gần 70 tuổi vào khám vì đau bụng vùng thượng vị, ợ chua. Bác sĩ nội soi phát hiện có bất thường nghi ngờ ung thư dạ dày. Hai người con trai đã khuyên bố nên nhập viện nhưng ông kiên quyết không.

Ông cụ mở điện thoại thông minh, chỉ vào phương pháp trị ung thư bằng cách nhịn ăn, phơi nắng 7 ngày lan truyền trên mạng đang có nhiều người làm theo. Hai người con bất lực, nước mắt trực trào. Bác sĩ đành động viên để người bệnh thoải mái tâm lý và khuyên ngăn từ từ.

Vài ngày sau, một người nhắn tin chia sẻ với bác sĩ rằng cha của họ kiên quyết không đi bệnh viện, tự chữa lành ở nhà theo hướng dẫn trên mạng xã hội.

Trường hợp chị Mai Thị Thơ (Nam Định) bất lực khi mẹ chị mê xem quảng cáo thuốc chữa xương khớp trên mạng của một KOL nổi tiếng tên H.H. Bà cụ hâm mộ người này, đón xem các video quảng cáo hàng hóa của H.H.

"Mỗi lần anh em chúng tôi khuyên mẹ đừng mua thuốc trôi nổi trên mạng, mẹ tôi lại bảo: Người ta làm từ thiện, ai lừa đảo vài trăm nghìn tiền thuốc làm gì? Chúng tôi mệt mỏi lắm, lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng sức khỏe của cha mẹ nhưng không thể làm gì hơn", chị Thơ kể.

Xu hướng bảo thủ hơn lời khuyên từ con cháu

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia tại Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), không thể phủ nhận vai trò của công nghệ trong việc phổ biến kiến thức y tế nhưng cũng mở đường cho những thông tin sai lệch, đánh vào tâm lý dễ tổn thương của người lớn tuổi.

Người cao tuổi thường có xu hướng bảo thủ, tin tưởng vào kinh nghiệm sống hơn là lời khuyên từ con cháu. Ngay cả những người có trình độ học vấn cao cũng có thể bị cuốn vào các lời quảng cáo hấp dẫn, hứa hẹn “chữa lành tự nhiên” mà không cần dùng thuốc. “Các chiêu trò này đánh trúng tâm lý muốn tiết kiệm chi phí và tìm kiếm giải pháp đơn giản”, bác sĩ Hoàng nói.

Sản phẩm thuốc giả chủ yếu bán cho người già trên mạng xã hội vừa được bắt giữ tại Thanh Hóa. Ảnh: CATH.

Sản phẩm thuốc giả chủ yếu bán cho người già trên mạng xã hội vừa được bắt giữ tại Thanh Hóa. Ảnh: CATH.

Đặc biệt, với những người sống dựa vào lương hưu ít ỏi hoặc phụ thuộc sự hỗ trợ của con cái, các phương pháp được quảng cáo là “rẻ tiền, hiệu quả” càng trở nên thu hút. Thậm chí, có trường hợp con cái làm trong ngành y tế nhưng vẫn không thể thuyết phục cha mẹ từ bỏ niềm tin vào những liệu pháp chưa được kiểm chứng.

Một ví dụ điển hình là các sản phẩm “thực phẩm chức năng” hay “liệu pháp tự nhiên” được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, hứa hẹn chữa khỏi bệnh mạn tính mà không cần đến bác sĩ. Những lời mời chào này thường đi kèm hình ảnh, video bắt mắt và chứng nhận giả mạo, khiến người cao tuổi dễ dàng tin tưởng.

Để thay đổi thực trạng này, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh vai trò của truyền thông đúng đắn. “Thông tin từ các nguồn uy tín như báo chí chính thống, cơ quan y tế hoặc bác sĩ có chuyên môn sẽ giúp người dân dần nhận ra đâu là sự thật”, bác sĩ Hoàng nói. Tuy nhiên, việc tiếp cận và thuyết phục người lớn tuổi không hề dễ dàng. Cần sự kiên nhẫn và cách truyền tải gần gũi, dễ hiểu để họ cởi mở hơn với những lời khuyên khoa học.

Trong bối cảnh thông tin tràn lan, mỗi người cần trở thành “bộ lọc” thông minh, đặc biệt khi chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đối với người cao tuổi, sự đồng hành của con cháu cùng những nguồn thông tin đáng tin cậy chính là chìa khóa để tránh xa cạm bẫy và hướng tới những giải pháp y tế an toàn, hiệu quả.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hai-con-trai-bat-luc-nuoc-mat-truc-trao-khi-bo-ung-thu-doi-chua-bang-phoi-nang-2396361.html
Zalo