Tắm nắng giữa trời 40 độ để 'trừ ẩm', người phụ nữ hôn mê suýt chết: Bác sĩ cảnh báo những sai lầm này
Tin vào mẹo dân gian cho rằng tắm nắng lưng có thể chữa bệnh, một phụ nữ cao tuổi ở Trung Quốc đã bất tỉnh ngay sau khi phơi nắng hơn 2 giờ. Bà được chẩn đoán vỡ phình mạch não, phải mổ sọ cấp cứu và hiện vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.
Ngã quỵ sau khi tắm nắng 2 giờ giữa trời nóng đỉnh điểm
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, một phụ nữ họ Wang, sống tại tỉnh Chiết Giang, đã tin theo một mẹo dân gian phổ biến là "tắm nắng lưng giúp loại bỏ ẩm ướt trong cơ thể và chữa bệnh". Vào ngày 12/7, bà Vương, hiện đã nghỉ hưu, quyết định nằm sấp trên nền bê tông trong tiết trời nắng gắt, với hy vọng “phơi nắng để khỏe mạnh hơn”.
Tuy nhiên, vào thời điểm bà thực hiện việc này, nhiệt độ mặt đất đã vượt quá 40°C. Ngay sau khi trở vào nhà, bà ngã quỵ và bất tỉnh, khiến gia đình phải đưa đi cấp cứu khẩn cấp. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bà bị vỡ phình mạch não, dẫn đến xuất huyết nội sọ – một tình trạng cực kỳ nguy hiểm và có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Bà Wang lập tức được đưa vào phòng mổ để phẫu thuật mở sọ khẩn cấp nhằm loại bỏ máu tụ trong não. Ca phẫu thuật đã cứu sống bà, nhưng sau đó bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, với nhiều biến chứng phức tạp như sưng não, tràn dịch não và nhiễm trùng phổi.
Hiện tại, dù đã dần hồi phục khả năng vận động và giao tiếp, bà Wang vẫn bị suy giảm nhận thức nặng, mất trí nhớ và phải hoàn toàn phụ thuộc vào người thân trong sinh hoạt hằng ngày.
Các bác sĩ cảnh báo: Tắm nắng sai cách có thể gây đột quỵ
Sau vụ việc, các bác sĩ đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ nghiêm trọng khi người cao tuổi tiếp xúc lâu với nắng gắt, đặc biệt là vào thời điểm nắng đỉnh điểm trong ngày. Quan niệm “đổ mồ hôi để khỏi bệnh” hoàn toàn sai lầm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Người cao tuổi thường có chức năng điều tiết mồ hôi suy giảm, nhạy cảm với nhiệt độ kém hơn người trẻ, do đó rất dễ bị say nắng, mất nước, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Việc nằm dưới nắng trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ mất ý thức do sốc nhiệt, đặc biệt nếu không có sự theo dõi và hỗ trợ từ người thân.
Để bảo vệ người cao tuổi trong mùa hè, giới chuyên môn đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể về ăn uống, sinh hoạt và vận động, bao gồm:
Uống đủ nước: Tối thiểu 1,5–2 lít/ngày, chia làm nhiều lần, uống ngay cả khi không khát. Không uống nước đá đột ngột khi đang khát để tránh sốc nhiệt và nguy cơ viêm họng.
Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Các loại rau như rau má, rau đay, mướp, bí, cà chua,… và trái cây như lê, táo, mận, giúp bổ sung nước và chất điện giải. Nên ăn trái cây tươi thay vì nước ép, đặc biệt với người bị tiểu đường.
Hạn chế ăn mặn, cay, béo: Giảm muối và gia vị như ớt, tiêu, gừng để tránh tăng nhu cầu nước, gây áp lực lên tim và thận. Tránh thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, bánh ngọt, sữa đặc có đường,...
Chế độ ăn chia nhỏ: Tránh ăn quá no, đặc biệt vào buổi tối. Nên ăn cách giờ ngủ ít nhất 3 tiếng để hệ tiêu hóa không bị quá tải.
Vận động hợp lý: Nên tập thể dục vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối khi trời dịu. Tuyệt đối tránh ra đường từ 10h đến 17h, khi tia UV và nền nhiệt cao nhất trong ngày.