Những chàng kỵ binh 'vượt nắng, thắng mưa' trên lưng ngựa thép

Những người lính kỵ binh 'vượt nắng, thắng mưa' trên thao trường vừa luyện tập với kỷ luật nghiêm ngặt, vừa dành cả trái tim để thấu hiểu người đồng đội của mình - đó là những chú 'ngựa thép'.

Hiểu về "chiến mã" của mình

Gặp gỡ Trung úy Đỗ Quốc Khánh - cán bộ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, người hiện đang giữ nhiệm vụ cầm cờ cho khối thực hiện nhiệm vụ A80, anh cho biết, cảm xúc ban đầu khi tiếp xúc với ngựa là... sợ.

“Ngựa lớn và rất mạnh. Lúc đầu nhìn thấy chúng, tôi cũng thấy e ngại. Nhưng sau khi tiếp xúc nhiều hơn, tôi nhận ra ngựa rất hiền, rất tình cảm. Chúng cũng như con người vậy, nếu mình hiểu được tính cách của chúng thì việc huấn luyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, anh Khánh nói.

Theo Trung úy Đỗ Quốc Khánh, gắn bó cùng ngựa là cả một hành trình xây dựng niềm tin, kiên nhẫn và học cách lắng nghe một sinh vật không nói bằng lời. Anh kể rằng điều khó nhất trong huấn luyện không phải là những động tác kỹ thuật, mà là tạo được sự kết nối giữa người và ngựa để chú ngựa hiểu rằng người lính trên lưng nó không phải là kẻ ra lệnh, mà là người đồng hành.

Từng tham gia làm nhiệm vụ A50, anh nhìn nhận: “Thời gian huấn luyện như nhau, nhưng điều kiện thời tiết có sự khác biệt. Miền Bắc khắc nghiệt hơn, nắng gắt và oi bức, gây mệt mỏi cho cả người và ngựa. Có những hôm huấn luyện giữa trưa nắng, tôi thấy rõ dấu hiệu ngựa bị sốc nhiệt, thở gấp, bỏ ăn. Khi đó cán bộ phải hết sức chú ý, theo dõi sát sao sức khỏe của ngựa, đảm bảo chúng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

 Trung úy Đỗ Quốc Khánh - cán bộ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, người hiện đang giữ nhiệm vụ cầm cờ cho khối thực hiện nhiệm vụ A80. Ảnh: Đức Nguyễn

Trung úy Đỗ Quốc Khánh - cán bộ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, người hiện đang giữ nhiệm vụ cầm cờ cho khối thực hiện nhiệm vụ A80. Ảnh: Đức Nguyễn

Mặt khác, một trong những kỹ năng sống còn mà người lính kỵ binh phải rèn luyện đầu tiên chính là giữ thăng bằng trên lưng ngựa. Không chỉ khi ngựa đi đều, mà đặc biệt là khi chúng bất ngờ phi nước đại, rẽ ngoặt gấp hay dừng đột ngột giữa tiếng loa, tiếng còi và sự ồn ào của đám đông.

Theo Trung úy Khánh, mỗi chuyển động của ngựa là một bài kiểm tra về trọng tâm, phản xạ và sự bình tĩnh của người cưỡi. Ngựa chạy nhanh, người cưỡi phải thả lỏng vừa đủ để không gồng cứng gây mất thăng bằng, nhưng cũng phải siết chặt cơ bụng, đùi, bắp chân giữ mình “dính chặt” vào yên như một khối liền với chiến mã.

Đó không chỉ là kỹ năng thể chất. Đó là sự rèn giũa thần kinh vững vàng, là kết quả của hàng trăm giờ luyện tập, là cảm giác “hiểu” được ngựa qua từng cái giật mình, từng chuyển động bất thường.

Giữ cho tâm lý của ngựa và người ổn định

Trung úy Đặng Xuân Hoạt - khối trưởng của Khối Kỵ binh A80 là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong đội hình. Anh là người chỉ huy, dẫn đầu đoàn ngựa trong các buổi diễn tập và diễu binh chính thức. Với anh, điều quan trọng nhất là con ngựa dẫn đầu phải có thể lực tốt và tâm lý cực kỳ ổn định.

“Nếu con ngựa đi đầu hoảng sợ, bất ổn hay bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, cả đội hình phía sau sẽ bị kéo theo, ảnh hưởng toàn bộ khối” - anh chia sẻ. Đó là lý do vì sao việc chọn ngựa dẫn đầu và huấn luyện nó là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong đơn vị.

Anh Hoạt kể về chiến mã Red- con ngựa đã gắn bó với anh từ những ngày đầu thành lập đoàn. “Khi những chú ngựa Mông Cổ đầu tiên được nhập về Việt Nam, chúng còn rất hoang dã, chưa quen với người. Việc đầu tiên là phải thuần hóa chúng, để chúng quen với sự hiện diện của con người, quen với yên cương, với mệnh lệnh”, anh Hoạt cho biết.

 Trung úy Đặng Xuân Hoạt - Khối trưởng khối CSCĐ Kỵ binh. Ảnh: Đức Nguyễn

Trung úy Đặng Xuân Hoạt - Khối trưởng khối CSCĐ Kỵ binh. Ảnh: Đức Nguyễn

Bản thân anh Hoạt từng bị ngựa đá vào mặt, rách một đường dài và phải khâu bảy mũi. Không chỉ riêng anh mà tất cả các cán bộ huấn luyện đều đã trải qua quá trình thuần hóa ngựa và đa phần đều gặp phải các chấn thương như ngã ngựa hoặc bị ngựa tấn công, đó là điều khó tránh khỏi.

“Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả hay nguy hiểm, với tinh thần quyết tâm cao và đam mê nghề huấn luyện động vật nghiệp vụ, họ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và huấn luyện ngựa thật tốt để thực hiện tất cả các động tác, khoa mục chuyên môn”, Trung úy Hoạt chia sẻ.

 Tại Đoàn CSCĐ Kỵ binh (Sông Công, Thái Nguyên), khối kỵ binh đang bước vào giai đoạn huấn luyện cao điểm, sẵn sàng cho lễ diễu binh kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Dù nắng mưa thất thường, các chiến sĩ vẫn kiên trì tập luyện với tinh thần trách nhiệm cao. Ảnh: Đức Nguyễn

Tại Đoàn CSCĐ Kỵ binh (Sông Công, Thái Nguyên), khối kỵ binh đang bước vào giai đoạn huấn luyện cao điểm, sẵn sàng cho lễ diễu binh kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Dù nắng mưa thất thường, các chiến sĩ vẫn kiên trì tập luyện với tinh thần trách nhiệm cao. Ảnh: Đức Nguyễn

Chia sẻ thêm, Trung úy Tòng Văn Nhà - cán bộ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh cho biết, việc tập luyện giữa cái nắng oi nồng, hay khi trời vừa mới mưa rào xong, nền đất ướt, ngựa dễ trượt. Rồi hôm sau nắng gắt, hơi đất bốc lên, lại dễ khiến cả người và ngựa mệt lả. Nhưng với anh, khó khăn ấy cũng chỉ là thử thách để vượt qua, bởi được tham gia diễu binh là niềm tự hào lớn nhất của người lính.

Anh cho biết: “Miền Nam thì có nắng nhưng có gió, mát hơn. Miền Bắc nắng gắt, ít gió nên nóng hơn. Nhưng bù lại, mùa thu và mùa đông ở miền Bắc là thời điểm lý tưởng để huấn luyện ngựa. Ngựa dễ chịu hơn, ăn khỏe hơn và luyện tập cũng hiệu quả hơn”.

 Thiếu úy Nguyễn Chắc Thiên đang chăm sóc chú ngựa Bi của mình. Ảnh: Đức Nguyễn

Thiếu úy Nguyễn Chắc Thiên đang chăm sóc chú ngựa Bi của mình. Ảnh: Đức Nguyễn

Về công tác chăm sóc ngựa, Thiếu úy Nguyễn Chắc Thiên - cán bộ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, người đã có 5 năm gắn bó với chú ngựa tên Bi cho biết: “Sau mỗi buổi tập, tôi tháo hết yên cương, dắt ngựa đi tắm để giải nhiệt, lau khô nước rồi mới cho về chuồng. Chúng tôi luôn theo dõi nhiệt độ cơ thể ngựa, nếu có gì bất thường thì báo ngay bác sĩ thú y để xử lý kịp thời”, anh nói.

Mỗi chú ngựa đều có chuồng riêng, mỗi cán bộ huấn luyện theo dõi một ngựa, như người thân trong nhà. Anh kể, trong một lần huấn luyện, Bi bất ngờ trở chứng khiến anh bị thương ở vùng mắt và phải khâu bảy mũi.

Nhưng thay vì sợ hãi hay giận dữ, anh lại càng thêm hiểu rõ rằng: “Ngựa chỉ phản ứng khi thấy không an toàn. Khi mình không giữ được bình tĩnh, nó cũng không thể tin mình”.

Châu Linh - Đức Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-chang-ky-binh-vuot-nang-thang-mua-tren-lung-ngua-thep-post1760744.tpo
Zalo