Hai bệnh viện ở TPHCM đối mặt nguy cơ quá tải sốt xuất huyết

TPHCM tăng cường hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt tại phường An Phú - nơi có hai bệnh viện ghi nhận nhiều ca nặng và nguy cơ quá tải điều trị nội trú.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tăng cao và nguy cơ quá tải điều trị nội trú tại khu vực phường An Phú (TPHCM), ngày 24/7, đoàn công tác của Sở Y tế TPHCM gồm lãnh đạo phòng nghiệp vụ y, các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM và tỉnh Bình Dương đã kiểm tra và hỗ trợ chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2 và Bệnh viện Đa khoa An Phú.

Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2 và Bệnh viện Đa khoa An Phú là hai cơ sở tư nhân ghi nhận số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng nhanh trong ba tuần qua, đứng trước nguy cơ quá tải điều trị nội trú.

Đoàn công tác kiểm tra công tác thu dung điều trị tại Bệnh viện An Phú. Ảnh: SYT.

Đoàn công tác kiểm tra công tác thu dung điều trị tại Bệnh viện An Phú. Ảnh: SYT.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết của các bệnh viện, đoàn công tác đã trực tiếp đánh giá hoạt động chẩn đoán, điều trị, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm và thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Đoàn ghi nhận nỗ lực của các bệnh viện trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; đồng thời yêu cầu tiếp tục rà soát quy trình điều trị, tăng cường hội chẩn nội viện và hội chẩn với tuyến trên để xử trí kịp thời các ca bệnh nặng. Các cơ sở y tế cần đẩy mạnh tập huấn cho nhân viên y tế về tiêu chuẩn điều trị ngoại trú, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu cần theo dõi tại nhà và các biểu hiện cảnh báo bệnh chuyển nặng để đến bệnh viện kịp thời.

Đoàn công tác cũng đặc biệt lưu ý các bệnh viện khẩn trương phân công nhân sự phụ trách công tác báo cáo dịch, phối hợp chặt chẽ với cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật để thực hiện nghiêm việc báo cáo ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo đúng tiến độ báo cáo hàng ngày, hàng tuần. Sốt xuất huyết tiếp tục là thách thức lớn trong bối cảnh hệ thống y tế địa phương sau hợp nhất.

Nhiều năm qua, khu vực miền Đông Nam bộ (trong đó có TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) luôn được xem là vùng trọng điểm của dịch sốt xuất huyết. Sau khi hợp nhất, kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành y tế thành phố.

Cán bộ Đoàn công tác Sở Y tế thăm hỏi bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện An Phú. Ảnh: SYT.

Cán bộ Đoàn công tác Sở Y tế thăm hỏi bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện An Phú. Ảnh: SYT.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 21/7, Sở Y tế TPHCM xác định hai mục tiêu trọng tâm trong phòng chống sốt xuất huyết: Hạn chế số ca mắc thông qua việc tăng cường chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, không để sót điểm nguy cơ không có người quản lý; giảm thiểu ca tử vong bằng cách nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tổ chức đào tạo, tập huấn nhận diện sớm dấu hiệu cảnh báo, thực hiện nghiêm Hướng dẫn chẩn đoán – điều trị sốt xuất huyết (Quyết định 2760/QĐ-BYT).

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở y tế phân loại đúng nhóm bệnh nhân cần nhập viện và nhóm điều trị ngoại trú, tăng cường hội chẩn nội viện và với Tổ chuyên gia của Sở, đặc biệt với các ca nặng, nhiều yếu tố nguy cơ. Việc chuyển viện cũng phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Theo Sở Y tế TPHCM, TPHCM đang bước vào mùa mưa - thời điểm nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết cao nhất trong năm. Ngành y tế kêu gọi người dân cần chủ động dọn dẹp vật chứa nước, diệt lăng quăng hàng tuần, thực hiện tốt phương châm "không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết".

Tuân thủ hướng dẫn điều trị từ cơ sở y tế, không tự ý truyền dịch tại nhà; đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như: vật vã, lừ đừ, mệt, đau bụng nhiều, nôn ói, tiểu ít, chảy máu chân răng, mũi, dưới da…

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-benh-vien-o-tphcm-doi-mat-nguy-co-qua-tai-sot-xuat-huyet-169250725201448162.htm
Zalo