Hạ viện Mỹ bầu chủ tịch: Kịch bản bế tắc có lặp lại?
Hạ viện Mỹ đang chạy đua bầu ra chủ tịch Hạ viện để kịp công nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong bối cảnh các hạ nghị sĩ Cộng hòa bộc lộ sự chia rẽ.
Trước khi quốc hội khóa mới ở Mỹ có thể bắt tay vào công việc – bao gồm việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Hạ viện Mỹ cần bầu ra chủ tịch, với cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 3-1 (giờ Mỹ), theo tờ The New York Times.
Trong nhiều thập niên, việc chọn chủ tịch Hạ viện thường chỉ mang tính hình thức, không có gì kịch tính. Tuy nhiên, cách đây hai năm, cuộc bỏ phiếu này đã diễn ra vô cùng căng thẳng, kéo dài 4 ngày, với 15 vòng bỏ phiếu. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy khi đó phải chấp nhận nhiều nhượng bộ trong đảng để nắm giữ chiếc búa chủ tịch tại Hạ viện Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Mike Johnson từng nhận được sự ủng hộ nhất trí của các nghị sĩ Cộng hòa vào tháng 11-2024 để tiếp tục giữ vai trò này. Ông Johnson cũng nhận được sự ủng hộ từ ông Trump.
Tuy nhiên, ông Johnson đang đối mặt với sự phản đối từ một số thành viên cực hữu trong đảng, và với thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông chỉ được phép mất tối đa một phiếu ủng hộ nếu muốn tái đắc cử.
Dù chưa có ứng viên Cộng hòa nào đứng ra cạnh tranh với ông Johnson, áp lực đang đè nặng lên đảng Cộng hòa trong việc nhanh chóng hoàn tất quy trình này để quốc hội kịp chứng nhận kết chiến thắng của ông Trump vào ngày 6-1.
Tuy nhiên, đã có nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ ông Johnson, trong khi những người khác bày tỏ nghi ngại về khả năng lãnh đạo của ông. Nếu ông Johnson không tập hợp đủ số phiếu cần thiết, Hạ viện có thể rơi vào bế tắc tương tự năm 2023.
Dưới đây là quy trình chọn chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Quy trình bỏ phiếu
Theo Hiến pháp Mỹ, việc bầu chọn chủ tịch là nhiệm vụ đầu tiên của Hạ viện khi quốc hội khóa mới nhóm họp.
Một đạo luật có từ thời quốc hội khóa đầu tiên năm 1789 yêu cầu việc bầu chủ tịch Hạ viện phải được tiến hành trước bất kỳ công việc nào khác, bao gồm việc tuyên thệ nhậm chức của các hạ nghị sĩ mới, việc thành lập các ủy ban hay việc thông qua bất kỳ dự luật nào.
Vào khoảng trưa 3-1, các nghị sĩ tập trung tại Hạ viện, nơi lãnh đạo mỗi đảng sẽ đề cử ứng viên của mình. Đảng Cộng hòa dự kiến đề cử ông Mike Johnson, trong khi đảng Dân chủ sẽ đề cử hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries - đương kim lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện.
Sau đó, thư ký Hạ viện sẽ gọi tên các nghị sĩ theo thứ tự bảng chữ cái để họ xướng tên ứng viên mà mình lựa chọn. Các lựa chọn có thể là ông Johnson, ông Jeffries hoặc bất kỳ cái tên nào khác, kể cả người không phải là thành viên quốc hội.
Ngưỡng cần thiết để chiến thắng là đạt đa số phiếu trong số các thành viên có mặt và tham gia bỏ phiếu, tức 218 phiếu nếu đủ 435 hạ nghị sĩ tham gia.
Hiện tại, sau khi cựu nghị sĩ Matt Gaetz từ chức, đảng Cộng hòa nắm 219 ghế, còn đảng Dân chủ có 215 ghế tại Hạ viện. Điều này có nghĩa là ông Johnson chỉ được phép mất tối đa một phiếu từ thành viên Cộng hòa nếu tất cả các nghị sĩ đều có mặt và bỏ phiếu.
Dẫu vậy, ông Johnson vẫn có thể giành chiến thắng ngay cả khi không đạt được đa số tuyệt đối. Ông có thể thuyết phục những người phản đối mình chọn bỏ phiếu “có mặt” thay vì nêu tên ứng viên khác, hoặc đơn giản là thuyết phục họ không tham gia bỏ phiếu.
Việc này không phải là hiếm. Hai năm trước, ông McCarthy giành chức Chủ tịch Hạ viện ở vòng bỏ phiếu thứ 15 với 216 phiếu. Tương tự, ông John Boehner thắng vào năm 2015 và bà Nancy Pelosi thắng vào năm 2021 cũng đều được bầu với chỉ 216 phiếu.
Nếu ông Johnson không đạt đủ phiếu thì sao?
Nếu không giành đủ phiếu ủng hộ ngay từ vòng đầu, ông Johnson có thể sẽ phải thương lượng với những người phản đối, đưa ra các nhượng bộ để đổi lấy sự ủng hộ. Trước đó, ông McCarthy từng tự làm suy yếu quyền lực của mình khi nhượng bộ phe cực hữu, trao cho họ các vị trí quan trọng, quyền kiểm soát những dự luật được đưa ra thảo luận, và thậm chí là quy định cho phép một thành viên đơn lẻ đưa ra đề xuất phế truất ông.
Một ứng cử viên khác có thể xuất hiện, mặc dù chưa có đảng viên Cộng hòa nào chính thức tuyên bố tranh cử vị trí này. Một cái tên thường được nhắc đến là Hạ nghị sĩ Jim Jordan đại diện bang Ohio, đồng sáng lập và cựu chủ tịch của nhóm cực hữu House Freedom Caucus.
Ông Jordan từng thất bại trong cuộc đua giành vị trí Chủ tịch Hạ viện vào tháng 10-2023 sau khi ông McCarthy bị phế truất, và chính ông Johnson đã giành được vị trí này.
Dù thế nào, Hạ viện sẽ phải tiếp tục bỏ phiếu nhiều lần cho đến khi có người giành đủ đa số phiếu.
Đã xuất hiện những người phản đối
Đến thời điểm này đã có một hạ nghị sĩ Cộng hòa là ông Thomas Massie của bang Kentucky cam kết bỏ phiếu chống lại ông Johnson bất chấp quan điểm của Tổng thống đắc cử Trump.
Ngoài ra, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Victoria Spartz của bang Indiana cũng nói rằng sự ủng hộ của ông Trump dành cho ai không tác động lá phiếu của bà. Bà Spartz nhấn mạnh rằng phiếu bầu của bà sẽ phụ thuộc vào việc ông Johnson có đáp ứng các yêu cầu của bà, bao gồm siết chặt chi tiêu chính phủ hay không.
Một số nghị sĩ phe cực hữu vẫn từ chối công khai quan điểm, bao gồm ông Andy Harris của bang Maryland và ông Scott Perry của bang Pennsylvania.
Nếu không có chủ tịch Hạ viện, việc chứng nhận chiến thắng của ông Trump có thể bị trì hoãn.
Ông Trump có một chương trình lập pháp đầy tham vọng, và các lãnh đạo Cộng hòa trong quốc hội muốn nhanh chóng triển khai công việc. Tuy nhiên, nếu không có chủ tịch Hạ viện, họ không thể xem xét bất kỳ dự luật nào, thậm chí không thể tuyên thệ nhậm chức cho các thành viên. Điều này sẽ khiến Hạ viện rơi vào trạng thái vô hiệu, tương tự tình cảnh đầu năm 2023, cho đến khi bầu được chủ tịch Hạ viện.