Hà Tĩnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý, đẩy nhanh xử lý tài sản công dôi dư
Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương lập phương án xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc; trong đó tập trung vào các trường hợp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Ngày 17.2, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký văn bản gửi các sở, đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý, đẩy nhanh quá trình xử lý nhà, đất, tài sản công dôi dư.

Dự án Trung tâm văn hóa Lộc Hà thuộc huyện Lộc Hà cũ được đầu tư gần 70 tỷ đồng, dù được gia hạn tiến độ 2 lần vẫn chưa xong. Và dự án sẽ được sử dụng như thế nào khi chủ đầu tư dự án là UBND huyện Lộc Hà đã sáp nhập toàn bộ vào huyện Thạch Hà
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tổ công tác sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư và các đơn vị có liên quan căn cứ quy định của pháp luật, khẩn trương lập phương án xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc.
“Trong đó tập trung vào các trường hợp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước”, văn bản nhấn mạnh.
Cùng với đó, các đơn vị cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, tổ chức xử lý triệt để các tài sản công, trụ sở làm việc đã có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền theo đúng thời hạn quy định.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổ công tác sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư tập trung rà soát, cập nhật, tổng hợp đầy đủ số liệu về nhà, đất và 2 tài sản công khác dôi dư, không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích. Trên cơ sở kết quả rà soát, đơn vị này phải kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch biện pháp xử lý cụ thể đảm bảo hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước. Kịp thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất theo quy định và tham mưu đề xuất UBND tỉnh các nội dung liên quan.
Đối với các cơ sở nhà, đất thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi để xử lý theo đúng quy định của Luật Đất đai, không thực hiện quy trình sắp xếp lại, xử lý theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm dẫn tới chậm xử lý nhà, đất công, gây lãng phí, thất thoát.
Còn Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn gửi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để kịp thời rà soát các cơ sở nhà, đất thuộc trường hợp thu hồi theo quy định pháp luật về đất đai để thực hiện xử lý theo đúng quy định của Luật Đất đai, đồng thời đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện. Căn cứ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chủ động rà soát đối với các cơ sở nhà, đất đủ điều kiện thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, báo cáo kết quả rà soát về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 28.2.2025 để soát xét, tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục thu hồi theo đúng quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tham gia ý kiến đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị thuộc trung ương quản lý và chủ động đề xuất xử lý đối với nhà, đất của các đơn vị thuộc Trung ương quản lý có tình trạng dôi dư, không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.