Hà Tĩnh: 'Nội bất xuất, ngoại bất nhập' để tránh dịch tả lợn châu Phi lan rộng
Hà Tĩnh đã ghi nhận hàng trăm con lợn bị chết do dịch tả lợn châu Phi. Trước nguy cơ dịch lây lan rộng, người chăn nuôi phải thực hiện phương án 'nội bất xuất, ngoại bất nhập', kiểm soát phòng dịch từng khâu, trong khi ngành chức năng địa phương yêu cầu tập trung triển khai biện pháp phòng chống.
Những ngày qua, người chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh đang lo lắng trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi bùng phát, có nguy cơ lan rộng.
“Thời điểm này là giai đoạn giao mùa, không khí ẩm ướt, thuận lợi cho vi rút phát triển, dễ làm bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Để phòng dịch, chúng tôi phải thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Xe vận chuyển thức ăn, hóa chất… ra vào trang trại được kiểm soát nghiêm ngặt, tăng tần suất khử trùng, tiêu độc cho toàn trang trại”, chủ một trang trại nuôi lợn ở huyện Cẩm Xuyên, cho hay.

Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại nhiều địa phương của Hà Tĩnh.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, toàn huyện ghi nhận dịch tả đã xuất hiện ở 7 xã (Cẩm Dương, Cẩm Thạch, Yên Hòa, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Mỹ) làm hơn 260 con lợn nhiễm bệnh chết, buộc phải tiêu hủy.
“Huyện đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; thường xuyên cập nhật thông tin vào nhóm Zalo chỉ đạo chung. Yêu cầu các xã đang có dịch giám sát chặt chẽ, phun tiêu độc, khử trùng tại vùng có dịch; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán động vật trên địa bàn và hoạt động kinh doanh giết mổ, xử lý nghiêm các hộ giết mổ tại nhà để sử dụng và buôn bán”, vị lãnh đạo địa phương thông tin.
Ngoài ra, ngành chức năng huyện Cẩm Xuyên cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi chỉ cho tái đàn khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch; khi nhập đàn cần chọn lợn có nguồn gốc rõ ràng, lợn khỏe mạnh. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn cũng được giám sát thường xuyên để kịp phát hiện lợn bị bệnh, bị chết và xử lý kịp thời ổ dịch; hướng dẫn các hộ kê khai chăn nuôi theo quy định của pháp luật; tổ chức đợt phun tiêu độc khử trùng diện rộng.

Các địa phương lên phương án không để dịch lây lan.
Tại huyện Thạch Hà, Hương Khê và TP Hà Tĩnh cũng phát hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có hàng chục con lợn chết do dịch tả lợn châu Phi. Ngành chức năng địa phương đã sớm tiếp cận, khống chế không để dịch lây lan.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cho biết từ đầu năm đến nay dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 300 con lợn bị nhiễm bệnh chết, buộc phải tiêu hủy, trọng lượng lên đến hơn 23 tấn. Do thời tiết bất lợi, nắng mưa thất thường, nhiệt độ giảm nên nguy cơ dịch lây lan diện rộng rất cao.


Hà Tĩnh thực hiện phương án chống dịch.
Ngành thú y Hà Tĩnh nhận định, mặc dù dịch diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, song khi các đơn vị chuyên môn tỉnh thành lập các đoàn về các vùng có dịch kiểm tra thì nhận thấy các hộ chăn nuôi còn chủ quan. Người chăn nuôi không thực hiện đảm bảo các biện pháp chăn nuôi an toàn, nuôi chung nhiều chủng loại vật nuôi. Khi phát hiện lợn bị ốm không báo ngay với chính quyền địa phương mà gọi thú y tư nhân đến điều trị. Một số địa phương còn chưa quyết liệt trong phòng chống dịch hoặc các giải pháp phòng chống dịch mang tính hình thức, không hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký ban hành công điện yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, diễn biến, công bố dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác trên vật nuôi và tập trung các nguồn lực, tổ chức phòng chống dịch theo đúng quy định.
Các địa phương phải thường xuyên rà soát, nắm chắc diễn biến tổng đàn vật nuôi, hướng dẫn người chăn nuôi không tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh; kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ vật nuôi trên địa bàn, không để lây lan dịch bệnh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị các điều kiện, tổ chức, triển khai tiêm vắc xin phòng chống bệnh đợt 1 năm 2025 cho đàn vật nuôi, đảm bảo tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng.