Hà Tĩnh: Điểm sáng trong giải ngân đầu tư công
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Hà Tĩnh vẫn đạt được kết quả vượt bậc trong giải ngân đầu tư công. Thống kê cho thấy, năm 2024, Hà Tĩnh đã giải ngân vốn đầu tư công được khoảng 7400 tỷ đồng, đạt hơn 165% kế hoạch Thủ tướng giao, đứng thứ 2/63 tỉnh thành.
Để hoàn thành kế đầu tư công, ngay từ đầu năm, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các tổ công tác thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn. Nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức rà soát, tổng hợp, phân tích các nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương quyết tâm thực hiện giải ngân đầu tư công 100%, cao hơn mức Chính phủ giao là 95%, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "UBND tỉnh thường xuyên đánh giá về kết quả giải ngân đầu tư công, chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND huyện thị đảm bảo cam kết tiến độ. Trường hợp không đạt tiến độ sẽ điều chuyển vốn ngay cho các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân đầu tư công."
Quán triệt tinh thần chỉ đạo trong thực hiện giải ngân đầu tư công của UBND tỉnh Hà Tĩnh, các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư…trên địa bàn đã vào cuộ quyết liệt, đồng bộ triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án. Tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh được UBND tỉnh giao thực 42 dự án (trong đó có 40 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, 2 dự án nhận ủy thác từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với tổng số vốn gần 1000 tỷ đồng, việc triển khai các công trình, dự án đã được chủ đầu tư, đảm bảo tiến độ.
Ông Hà Huy Thành, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, địa phương rất quan trọng trong việc thực hiện các công trình dự án. Những vướng mắc đã được các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ."
Kinh nghiệm tại tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, để thực hiện tốt kế hoạch giải ngân đầu tư công, một trong những vấn đề cần được tập trung là công tác giải phóng mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này này, ngay từ bước lập hồ sơ thiết kế cơ sở, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với địa phương xây dựng, khảo sát phương án, kinh phí, mốc tiến độ giải phóng mặt bằng bàn giao cho dự án, đảm bảo căn cơ, dài hạn. Cùng với đó là nắm bắt, giải quyết kíp thời các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của người dân bị thu hồi đất trong bồi thường hỗ trợ tái định cư…
Tại thị xã Kỳ Anh, địa phương được coi là động lực phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, việc thực hiện giải ngân đầu tư công luôn được ưu tiên hàng đầu. Hiện trên địa bàn thị xã có gần 200 dự án đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 17 tỷ USD và trên 100 dự án đầu tư trong nước, với số vốn khoảng 80.000 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng và đẩy nhanh tiến độ các công trình ngoài hàng rào để phục vụ thu hút đầu tư là vấn đề quan trọng.
Ông Phan Thành Biển, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Triển khai thực hiện giải ngân đầu tư công là công tác quan trọng của thị xã Kỳ Anh. Bởi hiện cơ sở hạ tầng của thị xã còn nhiều khó khan bộn bề. Chính vì vậy việc thực hiện tốt giải ngân đầu tư công là góp phần khắc phục những bất cập về hạ tầng của thị xã. Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo, các công trình dự án đầu tư công trên địa bàn đều được thực hiện tốt".
Kết quả ấn tượng trong giải ngân đầu tư công đã tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh trong năm 2024, với 7,48%, xếp thứ 8/14 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, thu ngân sách hơn 18.000 nghìn tỷ đồng…