Hà Tĩnh cần đón đầu xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số

Chiều 10/8, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức hội nghị thảo luận về định hướng phát triển kinh tế-xã hội và đề cương Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2025-2030.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Báo cáo khái quát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Hà Tĩnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Giai đoạn 2021-2023 tăng trưởng kinh tế gần 5%/năm, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,6%. Quy mô nền kinh tế hiện đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 các tỉnh Bắc Trung Bộ, thứ 32 cả nước.

Hà Tĩnh hiện có gần 1.550 dự án tổng vốn gần 530 nghìn tỷ đồng; là một trong 10 địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Toàn tỉnh hiện có 181/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 10/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều thành tích nổi bật.

Quốc phòng an ninh tiếp tục được bảo đảm và giữ vững.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế; phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm, cửa ngõ trên hành lang kinh tế Đông-Tây.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp xanh, thông minh; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu gắn với xây dựng đô thị văn minh. Phát triển các ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả, bền vững; đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển các khu du lịch ven biển.

Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi liên kết vùng, nhất là phối hợp hoàn thành các dự án cao tốc bắc-nam, sớm triển khai dự án đường sắt Viêng Chăn-Vũng Áng. Phát triển các đô thị trọng điểm, các chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 1 và quốc lộ ven biển; chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 8; chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; mở rộng không gian đô thị và địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh nhằm bảo đảm điều kiện để phát triển thành đô thị loại I, trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ,...

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tỉnh Hà Tĩnh đạt được trong thời gian qua, đây chính là nền tảng và động lực để tỉnh Hà Tĩnh vững tin thực hiện những kế hoạch, chiến lược lớn đã đề ra, đồng thời mạnh dạn định hình các mục tiêu, giải pháp mới vừa phù hợp với tình hình thực tiễn, vừa mang tính đột phá, trong đó tập trung cần đón đầu xu hướng phát triển xanh và kinh tế số, đổi mới sáng tạo; xu thế phân quyền chủ động cho các địa phương, xu thế nhảy vọt về cấu trúc phát triển,...

Cùng với đó, các địa biểu tham gia cũng kiến nghị, tỉnh Hà Tĩnh cần đánh giá thực chất tiềm năng, lợi thế, cũng như những khó khăn của địa phương trong bối cảnh mới, từ đó nhất quán các mục tiêu, chiến lược mang tính chất đột phá của địa phương để ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện. Đồng thời, khai thác và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; tập trung hỗ trợ, đào tạo nhân lực; tăng cường kết nối, thu hút đầu tư,...

Trước đó, vào sáng cùng ngày, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Viện Kinh tế Việt Nam và Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”.

Hà Tĩnh xác định năm định hướng tạo đột phá về kinh tế xã hội từ nay đến 2030 bao gồm: Bốn ngành trọng điểm (Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; logistics; du lịch); Ba trung tâm đô thị (Trung tâm đô thị chung quanh thành phố Hà Tĩnh; Trung tâm đô thị phía bắc là thị xã Hồng Lĩnh; Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng); Ba hành lang kinh tế (Hành lang đồng bằng ven biển gắn với Quốc lộ 1, cao tốc bắc nam và đường ven biển; Hành lang dọc Quốc lộ 8; Hành lang trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh); Một trung tâm động lực tăng trưởng (Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương) và Bốn nền tảng chính (Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch).

NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-tinh-can-don-dau-xu-the-phat-trien-kinh-te-xanh-kinh-te-so-post823658.html
Zalo