Hà Tiên đất Phật người hiền xứ huyền ca văn hiến

Đầu xuân Ất Tỵ là lễ hội kỷ niệm 289 năm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các tại Thành phố Hà Tiên sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 12/02/2025 (9 đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Hà Tiên là một thành phố thuộc phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang; phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 13,7 km, Đông giáp huyện Giang Thành, Nam giáp huyện Kiên Lương, Tây giáp vịnh Thái Lan với đường biển dài 26km. Diện tích 107,92 km², trong đó có 100,49 km² diện tích tự nhiên, dân số là 59.744 người, dự báo đến năm 2040 khoảng 224.000 người.

Hà Tiên nằm ở điểm cuối cùng của vùng đất Tây Nam tổ quốc. Thành phố Hà Tiên bao gồm 5 phường: Bình San, Đông Hồ, Mỹ Đức, Pháo Đài, Tô Châu và 2 xã: Thuận Yên, Tiên hải. Riêng xã đảo Tiên Hải bao gồm các đảo trong quần đảo Hà Tiên còn gọi là quần đảo Hải Tặc như: hòn Đốc, hòn Long, hòn Đước…

Thành phố Hà Tiên là một dải đất hẹp nằm ven biển, với đầy đủ các dạng địa hình: vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo,... tạo nên nhiều cảnh quan đẹp.

Với vị trí địa lý và hoàn cảnh xã hội đặc biệt này, Hà Tiên, xứ huyền ca văn hiến xưa, thành phố du lịch ngày nay, từ thuở sơ khai đến nay, là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân tộc anh em, trong đó, người Kinh, Hoa và Khmer là chiếm số lượng đông nhất.

Sự cộng cư hòa hợp đó, sự giao thoa văn hóa qua lễ hội, kiến trúc, tín ngưỡng đã tạo nên một đời sống tâm linh phong phú của vùng Tây Nam nước Việt. Đây là vùng đất giàu bản sắc văn hóa đặc thù và da dạng. Từ đó, Hà Tiên phát triển dần dần trở thành “xứ huyền ca văn hiến” xưa và nay trở thành thành một thành phố du lịch.

Bản đồ được xuất bản năm 1760. Ảnh tác giả cung cấp

Bản đồ được xuất bản năm 1760. Ảnh tác giả cung cấp

Hà Tiên khi xưa có tên Phương Thành (Mang Khảm, Trúc Phan, hay Đồng Trụ). Thuở ấy là một vùng đất hoang sơ, vô quản, dân cư thưa thớt. Hà Tiên kể từ tháng 8 năm Mậu Tý (1708), thời điểm Mạc Cửu quyết định dâng biểu lên Quốc Chúa Bồ tát Minh Vương Nguyễn Phúc Chu xin dâng đất Hà Tiên và thần phục Đại Việt. Quốc Chúa Bồ tát Minh Vương Nguyễn Phúc Chu chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước cho là “Cửu Ngọc Hầu”. Vùng đất này đã qua 317 năm (1708-2025), hơn 5 vòng xoay “lục hoa giáp” và cũng đã qua bao nhiêu thăng trầm để nên dáng hình một Hà Tiên hôm nay.

Năm Ất Mão (1735), Quốc công Mạc Cửu từ trần, trưởng nam là Mạc Thiên Tích, kế vị. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, Mạc Thiên Tích đã đưa Hà Tiên vào một giai đoạn thịnh đạt cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa. Ông đã xây dựng Hà Tiên thành vùng đất trù phú, đô thị sầm uất, giao thương với nhiều nước như Campuchia, Thái Lan, Nhật bản, Indonesia, Malaysia và phương Tây… xây dựng một khu phố dành cho người nước ngoài ở, sinh hoạt văn hóa thương mại, tạo cho nhân dân vùng đất Hà Tiên an cư lạc nghiệp, hạnh phúc ấm no.

Về văn hóa, lần đầu tiên trên vùng đất mới, hoạt động sáng tác văn chương cũng như in ấn, truyền bá sách vở chữ Hán nôm trở nên sôi động. Vùng duyên hải Hà Tiên biến thành một trung tâm văn hóa, được ví như “trời Châu, đất Lỗ” của phương Nam. Tâm điểm của sinh hoạt văn chương Hà Tiên - theo nhà giáo, nhà thơ, chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt và là một người nhiệt tình với văn hóa dân tộc Việt Nam, Đông Hồ Lâm Tấn Phác - chính là “tao đàn Chiêu Anh các”.

Cùng năm đó, một sự kiện quan trọng về văn hóa trong thời kỳ đầu quản trị Hà Tiên của Quốc lão Mạc Thiên Tích hiệu Thụ Đức Hiên là sự ra đời của Tao Đàn Chiêu Anh Các. Đây là tao đàn thứ 2 của Việt nam sau Thi Đàn…. Chỉ trong vòng 01 năm, từ năm 1736 đến năm 1737, với 10 bài “xướng” của tác giả Mạc Thiên Tích cho 31 tác giả (gồm: 25 tác giả người Hoa, 6 tác giả người Việt) đã có 310 thi phẩm “họa”, tạo thành một thi tập 320 tác phẩm. Các tác phẩm này vừa mang giá trị văn hóa vật thể vừa mang giá trị văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là tập thơ “Mười cảnh đẹp của Hà Tiên” (河仙什景曲詠).

Song song đó là các hoạt động về văn hóa, tôn giáo và giáo dục, kết quả của sự tiếp đón, chiêu đãi hiền tài, mở trường dạy ngôn ngữ hán nôm… Với hoạt động này, Hà Tiên đã gây ấn tượng trong giới văn nhân thời đó đến độ nhà bác học Lê Quý Đôn sau khi xem được tập “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” theo bản khắc gỗ in của Mạc Thiên Tích, đã không tiếc lời khen ngợi và thốt lên rằng “không thể bảo rằng ở vùng hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy” và tác giả Trịnh Hoài Đức ở sách "Gia Định thành thông chí" (Canh Thìn-1820) thì ca ngợi rằng đây là “Văn chương rực rỡ ở góc biển bên trời”. Sau này trở thành bản sắc đặc thù của hàng ngũ trí thức Hà Tiên:

“Tao đàn Chiêu Anh Các muôn thuở truyền lưu Huyền ca Văn hiến
Dấu ấn họ Mạc, Nguyễn nghìn đời lan tỏa Phật giáo Nhân gian.”

Kế tục tiền nhân bước đầu mở đất, như Vua chúa nước Nam đã chọn đất dựng chùa trước nhất, dưới sự chủ trương của Quốc Chúa Bồ tát Minh Vương Nguyễn Phúc Chu lấy tinh thần phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc, Quốc công Mạc Cửu, Quốc lão Mạc Thiên Tích và Sư nữ Phù Cừ, đã đồng hành trong công cuộc mở đất phương Nam bằng con đường Phật giáo hầu giúp dân an cư lạc nghiệp lâu dài.

Giữa thế kỷ 18, Khâm sai Đô đốc Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đã hai lần về quê nhà Quảng Đông, Trung Hoa 1752 - 1758 và đã thỉnh rất nhiều tượng Phật, Bồ tát, kinh sách Phật giáo và rất nhiều bộ “Gia Hưng Tạng” (嘉興藏), một phiên bản Đại tạng kinh mộc bản, được thực hiện từ thời nhà Minh sang đến thời nhà Thanh, cúng dường tôn trí tại các ngôi chùa tại Hà Tiên. Sau, do binh lửa chiến tranh nên những “thư tịch quý báu ấy” không tồn tại. Riêng bộ “Gia Hưng Tạng” hiện được bảo tồn nguyên vẹn tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, Bình Định.

Một bản đồ xuất bản năm 1760 về mảnh đất Hà Tiên. Ảnh tác giả cung cấp

Một bản đồ xuất bản năm 1760 về mảnh đất Hà Tiên. Ảnh tác giả cung cấp

Hà Tiên có các ngôi Già lam như Địa Tạng Sơn Địa Tạng Tự (phế tích), Tổ sư Minh Dung Pháp Thông (?-1749) trụ trì đầu tiên), Bạch Tháp Cổ Tự (Thiền sư Ấn Đàm (?-1737) trụ trì đầu tiên, Cổ Am Quán Thế Âm, Ni cô Tống Thị Sương sáng lập, Sắc tứ Tam Bảo Tự, Quốc công Mạc Cửu khai sơn, Phù Dung Cổ Tự, Quốc lão Mạc Thiên Tích kiến tạo năm Canh Ngọ (1750), Sư nữ Phù Cừ trụ trì và được xem là những công trình văn hóa Phật giáo tiêu biểu cho sự du nhập và phát triển Phật giáo vào Hà Tiên còn được bảo tồn đến nay.

Bản đồ Hà Tiên, Pháp xuất bản năm 1844. Ảnh tác giả cung cấp

Bản đồ Hà Tiên, Pháp xuất bản năm 1844. Ảnh tác giả cung cấp

Nhân dân Hà Tiên chủ yếu theo đạo Phật. Qua bao thăng trầm của lịch sử, đạo Phật luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần ở địa phương. Và miền đất này đã được mệnh danh:

“Huyền ca đất Phật người Hiền
Nghìn năm Văn hiến Hà Tiên lưu đời.”

Từ đó, đạo Phật được gieo mầm tuệ giác trên vùng đất phù sa, tạo nên nếp sống hiền hòa chân chất của ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer nơi miền biên ải.

“Hà Tiên tỏa ngát hương thiền
Của trăm năm cũ, nối truyền nghìn sau.”

Bản đồ Hà Tiên, Pháp xuất bản năm 1827. Ảnh tác giả cung cấp

Bản đồ Hà Tiên, Pháp xuất bản năm 1827. Ảnh tác giả cung cấp

Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nhận định rõ về nguồn gốc văn hóa Phật giáo ở Hà Tiên không những phát huy bản sắc tín ngưỡng mà còn thể hiện truyền thống văn hóa của Hà Tiên trong cộng đồng văn hóa Việt Nam.

Đầu xuân Ất Tỵ là lễ hội kỷ niệm 289 năm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các tại Thành phố Hà Tiên sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 12/02/2025 (9 đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Các hoạt động chính sẽ tập trung vào ba ngày từ 10 đến 12/02/2025.

Tìm hiểu nguồn gốc hình thành, phát triển của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và Phật giáo sẽ giúp cho thế hệ người Việt hôm nay nói chung và thế hệ trẻ Hà Tiên nói riêng thêm hiểu, thêm yêu quý Hà Tiên. Ai chưa một lần được đến, thì ao ước trong đời một lần đến thăm vùng linh thiêng nơi đất trời Tây Nam Tổ Quốc.

Tác giả: Thích Vân Phong

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ha-tien-dat-phat-nguoi-hien-xu-huyen-ca-van-hien.html
Zalo