Hà Nội về đích trước kế hoạch mục tiêu giảm nghèo

Với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2024, Hà Nội không còn hộ nghèo, về đích trước một năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP.

Với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2024, Hà Nội không còn hộ nghèo, về đích trước một năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn TP.

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Ba Vì đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà năm 2024. Ảnh: Trần Oanh

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Ba Vì đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà năm 2024. Ảnh: Trần Oanh

Hộ thoát nghèo phấn khởi đón Tết

Bằng việc thực hiện chính sách đặc thù, Hà Nội đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo kinh phí mức cao để xây dựng, sửa chữa nhà ở (100 triệu đồng xây nhà mới, 60 triệu đồng sửa chữa nhà). Ngoài ra, các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi xây dựng, sửa chữa nhà, nếu có nhu cầu còn được vay 50 triệu đồng, không phải trả lãi. Nhờ đó, nhiều gia đình trên địa bàn Thủ đô thoát nghèo và cận nghèo.

Kết quả giảm nghèo là sự rất nỗ lực của các quận, huyện. Trong đó rất biểu dương huyện Ba Vì đầu năm 2024 có tới 264 hộ nghèo, lại có 7 xã miền núi nhưng cuối năm đã thực hiện xong, không còn hộ nghèo. Huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mỹ Đức là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng đã về đích rất tốt. Đáng chú ý, các địa phương thực hiện những giải pháp giảm nghèo bằng nhiều chính sách hết sức căn cơ, bài bản, chắc chắn.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương

Gần 8 tháng sống trong ngôi nhà cấp 4 mới xây, bố con anh Phùng Khắc Vỹ (thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì) cảm thấy ấm áp vô cùng. Anh Phùng Khắc Vỹ chia sẻ: “Cách đây hơn chục năm, tôi đang làm thợ xây thì bị rơi từ tầng 4 xuống, liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. Tôi và con trai sống bằng nguồn trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng và anh em giúp đỡ. Cuộc sống khó khăn nên tôi không có tiền để sửa ngôi nhà cũ, mái võng xuống, tường mục".

Đầu năm 2024, gia đình anh Vỹ được TP, huyện, xã hỗ trợ 100 triệu đồng và vay 50 triệu đồng không tính lãi để xây nhà mới. Ngoài ra, bố con anh còn được họ hàng giúp đỡ kinh phí và ngày công; cộng với cán bộ xã, thôn quan tâm sát sao nên chỉ hơn nửa tháng sau đã có ngôi nhà mới khang trang.

Không chỉ vậy, anh Vỹ tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiền để cùng anh họ chăn nuôi đàn bò, có thêm thu nhập và đã thoát khỏi hộ nghèo. “Tôi cảm ơn lãnh đạo cấp trên đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để bố con tôi xây được căn nhà mơ ước. Tết năm 2025 này, bố con tôi sẽ đón Xuân thật ấm áp” - anh Phùng Khắc Vỹ phấn khởi chia sẻ.

Tết Ất Tỵ 2025, gia đình chị Lê Thị Thắm (thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Phú Xuyên) cũng được đón năm mới trong ngôi nhà khang trang, kiên cố. Ngôi nhà mới là mơ ước bấy lâu nay của gia đình 5 người: chồng câm điếc bẩm sinh; vợ cao 1,2m, sức khỏe yếu và 3 con đang tuổi ăn học.

Chị Lê Thị Thắm bộc bạch: “Hàng ngày tôi ở nhà thêu đồ, thu nhập được khoảng 3 triệu đồng/tháng; chồng đi phụ hồ nhưng công việc không đều. Chúng tôi sống trong ngôi nhà cũ xây bằng vôi cát cách đây mấy chục năm xuống cấp nghiêm trọng, trời mưa dột tứ bề. Khi được TP và huyện, xã hỗ trợ 100 triệu đồng và cho vay 50 triệu đồng, cộng với anh em cho mượn thêm, chúng tôi có động lực xây ngôi nhà 2 tầng rộng rãi. Tết này, gia đình vui lắm vì được đón giao thừa trong ngôi nhà mới, lại thoát hộ cận nghèo”.

Đó là hai trong số 714 hộ nghèo, hộ cận nghèo được TP hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở năm 2024 theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND; trong đó có 456 nhà xây mới và 258 nhà sửa chữa. Đây cũng là giải pháp bền vững để Hà Nội giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo được sống trong môi trường bảo đảm an toàn và hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà ở xuống cấp.

Thực hiện chính sách đặc thù, giảm nghèo bền vững

Hà Nội đã về đích trước một năm đối với việc thực hiện không còn hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Đến nay, số hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn TP Hà Nội là 9.928, chiếm 0,43% (so với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025), Hà Nội chỉ còn 890 hộ cận nghèo, chiếm 0,04% dân số trên địa bàn TP.

Theo Quyết định số 6489/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, toàn TP Hà Nội không có hộ nghèo; hộ cận nghèo: 890 hộ, tỷ lệ 0,04%/ tổng số hộ dân TP.
Theo chuẩn nghèo đa chiều của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2024, hộ nghèo: 0 hộ, tỷ lệ 0%/ tổng số hộ dân TP; hộ cận nghèo: 9.928 hộ, tỷ lệ 0,43%/ tổng số hộ dân TP.

Thông tin về việc thực hiện công tác giảm nghèo năm 2024, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Ba Vì Lê Hào Quang cho hay, năm 2024, UBND huyện Ba Vì đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều cùng quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và người dân trên địa bàn. Đó là chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ làm nhà ở, phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm giới thiệu việc làm cho người lao động...

Kết quả, đầu năm 2024, huyện Ba Vì có 264 hộ nghèo và đến cuối năm 2024 không còn hộ nghèo; hiện chỉ còn 73 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đáng chú ý, 3 xã (Cổ Đô, Tản Lĩnh, Ba Trại) hoàn thành tiêu chí “Tỷ lệ nghèo đa chiều” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024; 4 xã (Vân Hòa, Yên Bài, Khánh Thượng, Tiên Phong) hoàn thành tiêu chí “Tỷ lệ nghèo đa chiều” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2025.

Đến cuối năm 2024, huyện Phú Xuyên cũng hết hộ nghèo; chỉ còn 25 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, chiếm 0,04%. Để đạt được kết quả này, Phú Xuyên thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo do T.Ư quy định như hỗ trợ về y tế, cấp và quản lý 5.565 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống...

Bên cạnh đó, Phú Xuyên thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND cho 10.745 lượt đối tượng; chính sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với 5.565 người thuộc hộ nghèo thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo thoát cận nghèo.

Trưởng phòng LĐTB&XH Phú Xuyên Trần Thị Dung thông tin thêm: năm 2024, Phú Xuyên đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa 70 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn kinh phí theo Nghị quyết 14/NQ-HĐND và gia đình tự có, tổng cộng là 18,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện phối hợp với các xã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 46 hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị hư hỏng nhà sau cơn bão số 3 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 46 hộ có nhu cầu vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã kịp thời giải quyết cho 682 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn, với tổng dư nợ 54,6 tỷ đồng.

Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững của T.Ư và chính sách đặc thù của TP đã giúp Hà Nội không còn hộ nghèo. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội và cũng là thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ve-dich-truoc-ke-hoach-muc-tieu-giam-ngheo.html
Zalo