Hà Nội vận dụng chính sách có lợi nhất cho người dân, bảo đảm tiến độ dự án
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, thành phố cũng nghiên cứu vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách có lợi nhất để người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng sớm ổn định cuộc sống.
Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông Hà Nội Ngô Ngọc Vân cho biết, đến nay, thành phố đã phê duyệt và thu hồi được 786,2/798,65ha đất phục vụ dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô (đạt 98,44%).
Trong 12,45ha còn lại chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, có 2,93ha đất nông nghiệp và đất khác, 9,52ha đất ở.
Thành phố đã thu hồi đất bổ sung được 5,73/9,96ha, 34/36 vị trí móng cột cao thế; chuyển được 10.281/10.347 ngôi mộ, đạt 99,36%.
Ban Quản lý dự án công trình giao thông đã tiếp nhận mặt bằng 776,82/786,2ha, tương đương 48,35km/52,73km, đạt 91,7%.
Tuy nhiên, trên phạm vi tuyến, còn nhiều điểm ngắt quãng, "xôi đỗ".
Hà Nội cũng đã hoàn thành cơ bản các khu tái định cư và bố trí tái định cư cho 337/818 hộ dân. Các địa phương (trừ huyện Hoài Đức) cũng đã cơ bản hoàn thành phê duyệt giá đất đầu đi, đầu đến.
Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu giải quyết các nội dung vướng mắc về trình tự thực hiện, hạn mức giao đất tái định cư, giá đất đầu đi, đầu đến.
“Thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2024; một số trường hợp khó khăn hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ”, ông Ngô Ngọc Vân nói.
Đối với nguồn vật liệu cát đắp của Dự án thành phần 2.1 (đường song hành), lãnh đạo Ban quản lý dự án công trình giao thông Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, nguồn vật liệu cát đắp được cung cấp từ các nguồn thương mại và nguồn khai thác theo cơ chế đặc thù (mỏ Chu Phan, Thạch Đà 1) được khoảng hơn 2,1 triệu m3 (khoảng 85% khối lượng), nguồn cung cấp vật liệu cát đắp cơ bản đáp ứng nhu cầu còn lại.
Về nguồn vật liệu đất đắp, khối lượng đất đắp đã tập kết và thi công đến nay được khoảng hơn 0,765 triệu m3 (khoảng 65% khối lượng), khối lượng đất còn lại đã được thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cung cấp từ các mỏ vật liệu có đất dôi dư.
Về nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, được cung cấp từ các mỏ thương mại trên các tỉnh lân cận đáp ứng nhu cầu theo tiến độ thực hiện dự án.
Sau khoảng thời gian 17 tháng kể từ ngày khởi công, 4 gói thầu xây lắp tại Hà Nội đã được đồng loạt triển khai trên chiều dài tuyến 48,35km với 32 mũi thi công (23 mũi đường, chín mũi cầu).
Khối lượng thi công cụ thể gồm: Đắp cát đạt khoảng 80,52%; đất đắp K95, K98 khoảng 56,38%; cấp phối đá dăm khoảng 25,5%...
Trên địa bàn các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, nhà thầu đã thi công được khoảng 11,5km bê-tông nhựa (dự kiến đến ngày 31/12/2024, chiều dài thảm bê tông nhựa đạt khoảng 16km). Sản lượng đến nay là khoảng 1.810/4.205 tỷ đồng (đạt 43,04% giá trị hợp đồng và 100% kế hoạch năm 2024). Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường song hành vào quý IV/2025.
Đối với dự án thành phần 3 (đường cao tốc), về Tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP, Ban quản lý dự án đã tiến hành triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán xây dựng; đến tháng 8/2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam là cơ quan chuyên môn về xây dựng đã thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.
Tuy nhiên, việc triển khai dự án thành phần 3 theo hình thức đầu tư đối tác công-tư (PPP) vẫn rất khó khăn. Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự án thành phần 3 cần khoảng 30 tháng thi công; trong khi nếu thuận lợi trong quý I/2025 chọn được nhà đầu tư thì mới có thể khởi công vào quý II/2025.
Tại cuộc làm việc với các địa phương, đơn vị liên quan chiều 12/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Chỉ đạo đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô nhấn mạnh, đây là dự án lớn nên không chỉ có những khó khăn hiện tại mà chắc chắn còn tiếp tục có những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh trong quá trình thực hiện. Do đó, các địa phương, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thi đua nhau, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tập trung bàn bạc giải pháp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cần thiết phải kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo giải quyết.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu, trong quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị cần hết sức chú ý thực hiện tinh thần là làm mọi cách để lo cho người dân và vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách có lợi nhất để người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng sớm ổn định cuộc sống.
“Với các khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo giải quyết, bảo đảm đúng pháp luật và đúng tinh thần là điều gì có lợi nhất cho người dân thì làm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Các cấp, các ngành tham gia thực hiện dự án cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; hoàn thành đường song hành trước Đại hội Đảng bộ 3 tỉnh, thành phố; đồng thời phấn đấu trong quý II/2025 khởi công dự án thành phần 3.