Lãng phí từ những nhà máy nước sạch

Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, vậy nhưng đến nay nhiều nhà máy nước sạch tại Nghệ An vẫn chưa thể hoạt động, gây lãng phí ngân sách. Thậm chí một số nhà máy có nguy cơ phải khai tử, khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng xa vời.

Nhà máy nước sạch xã Hưng Thông hoàn thành hơn 6 năm, nhưng chưa một lần cấp nước.

Nhà máy nước sạch xã Hưng Thông hoàn thành hơn 6 năm, nhưng chưa một lần cấp nước.

Nhức nhối nhất vẫn là dự án Nhà máy nước sạch xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Dù đã hoàn thành vào năm 2018 với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng tiền ngân sách, nhưng đến nay công trình này vẫn không thể hoạt động vì thiếu nguồn nước đầu vào. Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Quần thể lưu niệm tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng gồm 13 hạng mục, trong đó, có hạng mục xây dựng Nhà máy nước sạch Hưng Thông.

“Từ ngày xây xong, đến nay do không sử dụng nên một số hạng mục đã xuống cấp. Người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước giếng khoan để dùng. Dù được lọc theo cách truyền thống, nhưng chúng tôi vẫn không yên tâm, bởi dẫu sao nguồn nước này đều lấy từ ruộng đồng, chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi”- ông Nguyễn Văn Tâm, trú xã Hưng Thông cho biết.

Theo hồ sơ được duyệt từ năm 2014, Nhà máy nước sạch Hưng Thông có công suất 1.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hơn 1.300 hộ dân. Trong quyết định phê duyệt, nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy này được xác định lấy từ sông Hòa Cần; thế nhưng thực tế dòng sông ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, cỏ rác bao phủ mặt sông, nước chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn là rất lớn. Riêng đối với dự án Nhà máy nước Hưng Thông, cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân lại phản ánh. Những lúc như vậy, xã cũng chỉ đề xuất lên UBND huyện có giải pháp để nhà máy đi vào hoạt động.

Hay như dự án Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn được triển khai xây dựng từ năm 2013, tuy nhiên sau khi xây dựng một số hạng mục thì để vậy. Tháng 10/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho phép chuyển dự án từ hình thức đầu tư công sang hình thức đầu tư đối tác công tư theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ là chủ đầu tư của dự án mới này.

Theo quy hoạch mới, nhà máy nước được xây dựng tại xóm Hải Bình, xã Nghĩa Bình trên tổng diện tích hơn 2,8 ha, trong đó, trạm bơm nước thô có tổng diện tích đất quy hoạch là 400m2. Nhà máy này có tổng công suất lắp đặt là 30.000m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 15.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 hoàn thành công suất 30.000 m3/ngày đêm theo thiết kế. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm.

Vậy nhưng, nhiều năm trôi qua Dự án Nhà máy nước Nghĩa Đàn vẫn đang giậm chân tại chỗ. Các công đoạn thực hiện chỉ mới dừng ở mức khảo sát, lập quy hoạch, và giải phóng mặt bằng.

Ông Phạm Hải - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: Trước đây dự án nằm trên địa bàn xã, tuy nhiên sau khi dự án điều chỉnh, kết hợp với sắp xếp hành chính nên hiện vị trí nhà máy nước thuộc thị trấn. Nói về sự cấp thiết của nước sạch phục vụ cho người dân là rất lớn, bà con nhân dân mong mỏi. Tuy nhiên, do nhà máy nước vẫn chưa hoàn thiện nên người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Cường - phụ trách Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghĩa Đàn thông tin, nguyên nhân dự án đến nay chưa hoàn thành chính là việc chưa thống nhất được vị trí lấy nước thô. Bởi, đang phân vân giữa vị trí hồ sông Sào hay là lấy nguồn nước sông Hiếu (thị xã Thái Hòa) cách nhà máy hơn 25km. Riêng về dự án, hiện vẫn chưa có quyết định dừng xây dựng.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-phi-tu-nhung-nha-may-nuoc-sach-10296732.html
Zalo