Hà Nội trong Top ô nhiễm không khí, loạt điểm quan trắc 'chuyển tím'

9h sáng 7/1, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với AQI ở ngưỡng 278 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người.

Trong đó, nồng độ bụi mịn (PM2.5) hiện tại là 203 µg/m³, cao hơn 40,6 lần giá trị hướng dẫn hàng năm về PM2.5 của WHO.

Khu vực Tây Hồ (Hà Nội) vẫn xếp đầu về ô nhiễm không khíkhi hàng loạt điểm đo ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở mức cao.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Thời gian gần đây, khu vực này luôn là điểm xếp đầu thành phố về mức độ ô nhiễm ô nhiễm.

Trong sáng nay, một số điểm quan trắc tại khu vực này ghi nhận chỉ số ô nhiễm ở mức nâu (AQI trên 300 - mức nguy hại cho sức khỏe con người) như: Điểm đo Tô Ngọc Vân (Tây Hồ) sáng nay ghi nhận AQI mức 416, Ciputra (Tây Hồ) AQI 408, Quảng Khánh (Tây Hồ) AQI 372, Quảng Bá (Tây Hồ) AQI 320...

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Ứng dụng này xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới trong sáng nay (7/1).

Các hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình hình ô nhiễm không khí tương tự.

Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201 - 300), đối với người bình thường, cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Nếu phải tham gia giao thông, người dân nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm (phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh tim mạch, hô hấp, trẻ nhỏ), cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đồng thời, theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-noi-trong-top-o-nhiem-khong-khi-loat-diem-quan-trac-chuyen-tim-10297837.html
Zalo