HMPV lây lan ở Trung Quốc có giống virus gây dịch Covid-19?

Human Metapneumovirus (HMPV) cũng là một trong các virus gây ra bệnh lý hô hấp ở con người. Nhiều sách y khoa hay các trang kinh điển về y tế có nhắc về virus này.

 Trẻ em được đưa đi khám tại bệnh viện nhi ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

Trẻ em được đưa đi khám tại bệnh viện nhi ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

Cuối tháng 12/2024, Trung Quốc báo cáo sự gia tăng tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi xét nghiệm dương tính với Human Metapneumovirus (HMPV). Hình ảnh bệnh viện quá tải, người dân xếp hàng dài chờ khám được truyền thông nước này đăng tải liên tục, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng y tế mới sau Covid-19.

Tại Việt Nam, theo Sở Y tế TP.HCM, virus này đã xuất hiện nhưng tỷ lệ ca mắc vẫn rất thấp so với các tác nhân gây bệnh hô hấp khác. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu HMPV có thực sự đáng lo như những thông tin đang lan truyền.

HMPV cũng giống như cảm lạnh, cúm

Lý giải về số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc, ông Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng trong thời gian đại dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm số người mắc bệnh do virus HMPV, từ đó dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm. Trong khi đó, virus HMPV vẫn là nguyên nhân gây bệnh xảy ra hàng năm, đặc biệt trong giai đoạn đông - xuân. Khi vào mùa, virus phát triển, cùng với việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch và sự suy giảm miễn dịch cộng đồng, số ca mắc gần đây đã gia tăng.

"Đây là những loại virus thông thường, không phải loại nguy hiểm. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi các tin tức từ WHO để có những cảnh báo và đáp ứng phù hợp. Người dân không nên quá hoang mang nhưng cũng không được chủ quan trong việc phòng, chống dịch", ông Phu nhấn mạnh.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết HMPV không phải là một loại virus mới. Chúng đã được các nhà khoa học phát hiện vào năm 2001 tại Hà Lan khi truy tìm tác nhân gây bệnh trong dịch tiết hô hấp của 28 trẻ em nước này bị nhiễm khuẩn hô hấp.

Tuy vậy, dựa trên phân tích di truyền học, người ta cho rằng virus này đã xuất hiện và gây bệnh cho người từ 120 đến 130 năm tính đến nay.

Từ khi phát hiện HMPV, virus này được biết là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính phổ biến hàng thứ hai sau RSV (virus hợp bào hô hấp) ở trẻ em dưới 5 tuổi đến khám tại các phòng khám ngoại trú ở Mỹ.

 Minh họa máy tính về các hạt của metapneumovirus ở người (HMPV). Ảnh: MOH.

Minh họa máy tính về các hạt của metapneumovirus ở người (HMPV). Ảnh: MOH.

Hầu như quốc gia tiên tiến ở Bắc Mỹ, châu Âu, Australia... đã phát hiện được virus này gây bệnh viêm hô hấp cấp tính cho trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi. Bệnh do HMPV cũng đã được phát hiện ở Ấn Độ, Pakistan, Hong Kong (Trung Quốc) và gần đây là Trung Quốc.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng Human Metapneumovirus không phải virus lạ hay mới. Đây cũng là một trong các virus gây ra bệnh lý hô hấp ở con người. Nhiều sách y khoa hay các trang kinh điển về y tế có nhắc về virus này.

"Vào mùa bệnh hô hấp do virus, khi người dân không làm xét nghiệm, họ thường cho là bị cảm lạnh, cảm cúm hay cúm mùa. Những tác nhân gây bệnh sẽ từ các loại virus như cúm, hợp bào (RSV), adenovirus, Human Metapneumovirus và nhiều loại khác. HMPV có triệu chứng cũng như cảm lạnh hay cảm cúm và lây theo mùa", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Trong thông báo được Sở Y tế TP.HCM phát đi chiều 7/1, cơ quan này cho biết loại virus này vốn đã lưu hành ở thành phố và được ghi nhận trong năm 2023 và 2024.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy các tác nhân gây bệnh hô hấp phổ là vi khuẩn H.influenzae, S.pneumoniae, virus cúm A, rhinovirus, RSV...

Virus HMPV chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, với 12,5% trường hợp mắc ở trẻ em. Con số này thấp hơn so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng kể trên.

Đặc biệt, trong đợt bùng phát viêm hô hấp ở trẻ em vào cuối năm 2023 tại TP.HCM, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp, trong đó HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%.

HMPV có giống với virus gây dịch bệnh Covid-19?

Nói về khả năng trở thành đại dịch như Covid-19, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng HMPV và SARS-CoV-2 đều là virus RNA chuỗi đơn. Tuy nhiên, HMPV là chuỗi đơn âm và SARS-CoV-2 là chuỗi đơn dương nên thuộc 2 ngành (phylum) sinh vật khác nhau, nghĩa là không giống nhau.

"Về đặc điểm dịch tễ học, HMPV ít lây lan hơn SARS-CoV-2. Tỷ suất tái tạo căn bản của HMPV là 2, trong khi đó ở SARS-CoV-2 có thể lên đến 5 hay cao hơn đối với biến chủng Delta. Vì vậy, HMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn, thường gặp vào cuối mùa Đông. SARS-CoV-2 có thể xảy ra vào bất cứ mùa nào với mức độ lây lan nhanh tạo thành đại dịch", Trưởng khoa Y tế công cộng phân tích.

Theo các chuyên gia, HMPV thường gây nên sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở ran rít. Trong khi đó, bệnh Covid-19 gây triệu chứng nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu. Đặc biệt, các triệu chứng hô hấp như ho có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp, gây tử vong.

 PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: NVCC.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: NVCC.

"HMPV có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể Covid-19. HMPV chỉ đáng quan ngại khi xẩy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền, trong khi đó Covid-19 có thể gây tử vong ở bất cứ lứa tuổi nào", PGS Dũng nhấn mạnh.

Không nên lo sợ "thái quá"

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, mặc dù hiện nay có các nỗ lực phát triển vaccine chống lại HMPV như thử nghiệm của công ty Moderan với vaccine mRNA-1653 và công ty AstraZeneca với vaccine IVX-A12. Tuy vậy, đến nay, chúng ta chưa có vaccine nào được thử nghiệm đầy đủ và cấp phép để sử dụng cho phòng ngừa HMPV.

Vị chuyên gia cho rằng do không có nhiều khả năng gây bệnh nặng và mức độ lây lan thấp nên người dân không cần phải quá lo ngại về bệnh tật này. Việc phòng ngừa HMPV cũng tương tự như các bệnh lý hô hấp khác như cảm lạnh, cúm...

Hiệu quả nhất vẫn là duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, đặc biệt làm sạch tay với xà phòng hay chất sát khuẩn, hạn chế sờ tay lên mặt. Bên cạnh đó, người dân nên giữ cho không khí ở các phòng và nhà cửa thông thoáng, tránh chỗ đông người, đeo khẩu trang và không nên đứng quá gần với người khác.

Khi có triệu chứng hô hấp, người dân nên ở nhà và đi khám nếu có nguy cơ bị nặng (người lớn tuổi, người có bệnh nền hay trẻ em).

Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân quá lo ngại nhưng cũng không chủ quan trước diễn biến tiềm ẩn của căn bệnh này. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và các đơn vị y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, sẵn sàng triển khai các hoạt động kiểm dịch tại sân bay và cảng biển theo chỉ đạo của Cục Y tế Dự phòng nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Đồng thời, công tác giám sát dịch tễ trong nước vẫn được đẩy mạnh, bao gồm theo dõi số ca viêm hô hấp, viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây bệnh và phát hiện kịp thời các chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy hoặc cộng đồng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hmpv-lay-lan-o-trung-quoc-co-giong-virus-gay-dich-covid-19-post1523027.html
Zalo