Hà Nội: Trồng lại cây có giá trị sau bão số 3
Hà Nội đang khẩn trương khắc phục sự cố sau mưa bão. Với các cây cổ thụ, có giá trị, sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ, phục hồi.
Hơn 14.000 cây gãy, đổ...
Tại các công viên lớn ở Hà Nội, cây to, cây nhỏ đổ ngả nghiêng vào các thảm cỏ, lối đi khiến công viên như một khu rừng ngổn ngang.
Ghi nhận tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), hàng trăm cây lớn nhỏ gãy đổ. Cây đa Bác Hồ do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng vào năm Canh Tý 1960 khi kêu gọi cả nước hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đã bị gãy ngang thân, một số cành gãy do ảnh hưởng của mưa bão.
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, Cây đa Bác Hồ bị lệch tán, gãy ngang thân. Thời gian tới, Công ty sẽ đưa ra phương án tối ưu để khôi phục cây đa, thời gian để cây tròn tán như cũ sẽ mất vài năm.
Theo thống kê, trong Công viên Thống Nhất có 116 cây đổ, bên ngoài có 26 cây đổ, một số tường rào, bồn hoa bị hỏng cần sửa chữa. “Thời điểm này, toàn bộ nhân viên Công ty đang tăng cường hỗ trợ xử lý cây đổ trên các tuyến đường, ưu tiên giao thông. Sau ngày 8/9, chúng tôi sẽ tiếp tục thống kê và xử lý cây đổ trong công viên”, đại diện Công ty chia sẻ.
Tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), đơn vị quản lý cho biết, có 34 cây đổ, toàn bộ cây hoa các bồn bị dập nát. Chuồng nuôi nhốt thú có chuồng cầy và chuồng hà mã bị hư hỏng do cây đổ đè vào, may mắn thú đã được di chuyển an toàn. Công ty đã cho công nhân giải tỏa các cây xanh bị đổ tại các cổng, trục đường giao thông và khu chuồng thú, dự kiến giải tỏa xong trong ngày 9/9; sửa chữa chuồng trại, điện chiếu sáng, tường rào trong khoảng 10 ngày.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hà Nội về triển khai ứng phó với bão số 3 (từ 19h ngày 7/9 đến 7h ngày 8/9), thành phố có 14.660 cành gãy đổ, trong đó 14.272 cây đổ. Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 7h ngày 8/9, mưa lớn làm cho 52 ha diện tích lúa, 159 ha rau màu bị ngập; 13.750 ha lúa và 488 ha rau màu bị đổ; 10 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Có mặt kiểm tra hiện trường sáng 8/9 trên phố Lò Đúc, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, quận có hàng trăm cây xanh đổ. Quận đã huy động hơn 3.000 người tham gia ứng phó bão số 3 để khắc phục hậu quả về cây xanh một cách nhanh nhất.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với việc khắc phục cây xanh gãy, đổ, Sở chuẩn bị có phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu để khôi phục những cây đã đổ, gãy cành với hy vọng giữ được tối đa. Đối với cây đổ, bật gốc, các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lên hoặc mang về nơi râm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi. Với những cây quý, cây cổ thụ, sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ.
Cấp điện trở lại
Trong cơn bão số 3, nhiều khu vực tại Hà Nội có cây cối đổ gãy, nhà xưởng tốc mái ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường dây, trạm biến áp. Trong suốt thời gian bão số 3 càn quét, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã triển khai khẩn cấp các phương án ứng phó, tập trung sửa chữa các sự cố đường dây, trạm biến áp và thiết bị điện bị hư hỏng. Hàng nghìn cán bộ, công nhân viên của các đơn vị trực thuộc EVNHANOI đã lập tức có mặt tại hiện trường, tập trung sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Theo thống kê của EVNHANOI, trong 3 ngày bão đi qua, có 12 tuyến đường dây, 1 trạm biến áp 110kV; 335 lộ đường dây trung thế (23 lộ trong khu vực nội thành) và 6 trạm biến áp bị sự cố do cây đổ, bạt, vật lạ bay vào; 101 cột điện gãy đổ…
Ngay sau khi cơn bão đi qua, EVNHANOI đã khẩn trương khôi phục 12 tuyến đường dây 110kV và 194 lộ đường dây trung áp. Khắc phục sự cố cấp điện cho 296/329 (đạt 89%) trạm bơm tiêu. Dự kiến, khắc phục sự cố và cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu úng, khách hàng trong ngày 8/9.