Hà Nội trang bị kiến thức pháp luật về lao động, BHXH cho sinh viên

Khoảng 3.600 sinh viên năm cuối trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Hà Nội đã được các chuyên gia trang bị kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) để tự tin gia nhập thị trường lao động.

Nhiều lao động phải nộp tiền đặt cọc khi đi làm

Hà Nội là địa phương có lực lượng lao động và số lượng DN hoạt động lớn so với các địa phương trên toàn quốc. Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP thời gian qua luôn ổn định, không có tranh chấp lao động phức tạp. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra vẫn còn tình trạng DN chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HHT

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HHT

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao. Trong khi đó, nhận thức về pháp luật lao động của một bộ phận người lao động, nhất là những người trẻ còn hạn chế nên chưa tự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của bản thân.

Đơn cử, nhiều trường hợp người lao động phải nộp tiền đặt cọc, nộp văn bằng gốc... khi đi làm nhưng khi nghỉ việc không được trả lại tiền, văn bằng, chứng chỉ gốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn tác động trực tiếp đến tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô.

Để giúp sinh viên nắm được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong quan hệ lao động, ngày 6/6 tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội, BHXH Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, BHXH cho học sinh, sinh viên năm 2024. Đây là hội nghị thứ 12 trong năm 2024 được tổ chức cho khoảng 3.600 học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Hà Nội.

Hội nghị tuyên truyền phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, BHXH cho học sinh, sinh viên năm 2024 thu hút 300 sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tham gia. Ảnh: HHT

Hội nghị tuyên truyền phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, BHXH cho học sinh, sinh viên năm 2024 thu hút 300 sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tham gia. Ảnh: HHT

Tại hội nghị, Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Oanh đã tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức về pháp luật lao động cho sinh viên. “Chúng tôi trang bị cho các em sinh viên những địa chỉ tìm việc làm miễn phí, uy tín trên địa bàn Hà Nội; các điều cần quan tâm khi ký hợp đồng lao động thử việc; những điểm lưu ý khi ký kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động” – bà Nguyễn Thị Oanh cho hay.

Chế độ, quyền lợi liên quan đến BHXH, BHYT cũng là nội dung rất cần thiết đối với những học sinh, sinh viên và đồng hành cùng mỗi người trong suốt cả quá trình làm việc. Vì thế, tại hội nghị, Phó Trưởng phòng Truyền thông, BHXH TP Hà Nội Lê Thị Ngọc Nghĩa đã phổ biến tới gần 300 sinh viên chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; rủi ro khi không có BHYT.

Trang bị kiến thức pháp luật để người lao động bảo vệ quyền lợi bản thân

Ghi nhận của phóng viên tại các hội nghị tuyên truyền phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, BHXH cho học sinh, sinh viên năm 2024, phần lớn học sinh, sinh viên tham dự đều rất quan tâm vì đây là nội dung rất thiết thực. Học sinh, sinh viên đã có sự tương tác, đặt câu hỏi với báo cáo viên để làm rõ những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia vào quan hệ lao động.

Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Oanh trao đổi với sinh viên về tình huống thực tế. Ảnh: HHT.

Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Oanh trao đổi với sinh viên về tình huống thực tế. Ảnh: HHT.

Phó Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Hoàng Đình Tiếp cho hay, ngay từ năm học đầu tiên, sinh viên trường nghề đã vừa đi học vừa đi làm thêm. Vì thế, các em cần nắm rõ quyền lợi và chế độ về pháp luật lao động, BHXH, BHYT.

"Những hội nghị như thế này giúp học sinh, sinh viên được bổ sung, cập nhật thông tin mới một cách đầy đủ, hữu ích khi đi làm thêm và tới đây chính thức gia nhập thị trường lao động. Khi đó, các em không bị bỡ ngỡ mà tự tin thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để có quyền lợi thỏa đáng cho bản thân" - thầy Hoàng Đình Tiếp chia sẻ.

Các sinh viên chăm chú đọc thông tin về pháp luật lao động, BHXH tại hội nghị. Ảnh: HHT

Các sinh viên chăm chú đọc thông tin về pháp luật lao động, BHXH tại hội nghị. Ảnh: HHT

Tham dự hội nghị, em Nguyễn Minh Quân, sinh viên năm thứ hai ngành Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội bộc bạch: “Hiện nay em vừa học vừa đi làm thêm với thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng. Dự hội nghị hôm nay, em biết được nhiều quy định pháp luật lao động, những quyền lợi khi tham gia BHXH. Những kiến thức này là hành trang để tới đây ra trường, em có thể thỏa thuận với DN để bảo đảm quyền lợi cho mình”.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, việc kịp thời trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật lao động, BHXH giúp học sinh, sinh viên nắm được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong quan hệ lao động. Đây cũng là giải pháp giúp các em khi tốt nghiệp ra trường có thể tham gia thị trường lao động một cách tự tin, đúng quy định của pháp luật về lao động.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trang-bi-kien-thuc-phap-luat-ve-lao-dong-bhxh-cho-sinh-vien.html
Zalo