Hà Nội, TP.HCM trong top 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp nhất
Theo thống kê của Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM và 8 tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất cả nước.
Tổng số vaccine ngừa COVID-19 đã tiêm ở nước ta đến nay là 266.073.228 mũi. Số mũi vaccine tiêm thực hiện trong ngày 14/4 là 3.155 mũi tiêm tại 16 tỉnh (1.697 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 1.458 mũi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi).
Theo thống kê của Bộ Y tế, 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất cả nước gồm: Kiên Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang.
10 địa phương tiêm vaccine cao nhất cả nước (chủ yếu ở khu vực phía Bắc): Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình.
Với nhóm tuổi từ 18 trở lên, tổng có 52.031.380 người tiêm mũi thứ 3 (81,6%). 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (65,5%), Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,4%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%). 3 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
Trong khi đó, cả nước hiện có hơn 17,7 triệu người từ 18 tuổi trở lên thực hiện tiêm mũi 4.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, giảm ca tăng nặng và tử vong.
Số ca COVID-19 trong thời gian tới có thể gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị.
Ông Lân khẳng định, mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng chống dịch. Một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Các địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng này.
Để giảm bớt sự lây nhiễm, người dân cần tiếp tục thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) + Vaccine. Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh, trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng chống dịch.
Với những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 (người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Cục trưởng khuyến cáo.