Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài các công trình thủy lợi lớn như Ia Glai, Plei Keo và Ia Ring, huyện Chư Sê có khoảng 24 đập thủy lợi nhỏ phục vụ nước tưới cho cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn huyện gieo trồng 2.365 ha, trong đó có 1.675 ha lúa nước, 450 ha rau các loại, 120 ha khoai lang, 100 ha cây hàng năm khác, 10 ha cây ăn quả…

Người dân một số xã tiến hành gieo sạ lúa sớm để tránh hạn cuối vụ. Tuy nhiên, sau sự cố sụt lún xảy ra tại hồ thủy lợi Ia Ring, người dân tại xã Dun, Ia Tiêm, Chư Pơng, Ia Glai, Ia Blang và thị trấn Chư Sê đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ Đông Xuân 2024-2025.

Ông Trần Quốc Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Sản xuất-kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Ring (xã Ia Tiêm) chia sẻ: Hợp tác xã có khoảng 100 ha cà phê sử dụng nguồn nước tưới từ hồ thủy lợi Ia Ring. Sau khi hồ gặp sự cố, các thành viên HTX đều lo lắng về nguy cơ thiếu nước tưới vào những tháng cao điểm của mùa khô năm nay.

Để ứng phó, HTX đã chủ động lên lịch tưới đợt 1 vào khoảng ngày 20 tháng Chạp, sớm hơn so với mọi năm. Đồng thời, HTX đã xây dựng phương án mua thêm đường ống để dẫn nước từ suối Ia Ring và các suối lân cận nhằm tránh hạn cho cây cà phê.

 Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Còn ông Trần Văn Ban-Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm thì cho hay: Để ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cho lúa Đông Xuân, bà con nông dân gieo sạ sớm hơn mọi năm gần 1 tháng. Xã cũng đã vận động người dân sử dụng những giống lúa ngắn ngày chất lượng cao từ nguồn hỗ trợ của huyện để gieo sạ.

Ngoài ra, xã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi 50 ha lúa nước thường xuyên bị hạn trong vụ Đông Xuân sang trồng các loại cây khác để tránh thiệt hại do thiếu nước tưới vào cuối vụ.

Tương tự, chính quyền và người dân xã Chư Pơng cũng đang lo lắng về nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân trên các loại cây trồng. Ông Phạm Viết Thanh-Trưởng thôn Ia Bâu (xã Chư Pơng) cho biết: Sau khi xảy ra sự cố tại hồ thủy lợi Ia Ring, bà con rất lo lắng về nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ Đông Xuân. Vì vậy, người dân đã chủ động tưới sớm để duy trì đủ độ ẩm cho diện tích cà phê.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chư Pơng: Trên cơ sở dự báo thời tiết, cộng với sự cố xảy ra tại hồ thủy lợi Ia Ring, xã đã mời các trưởng thôn họp bàn và triển khai một số giải pháp ứng phó trong vụ Đông Xuân 2024-2025.

Cụ thể, những diện tích không đảm bảo nguồn nước tưới thì khuyến cáo người dân không gieo sạ lúa; kiên quyết không thống kê và đề xuất hỗ trợ thiệt hại đối với những diện tích đã khuyến cáo nhưng người dân vẫn sản xuất. Bên cạnh đó, xã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng vùng, tưới tiết kiệm nước để ứng phó nếu hạn hán kéo dài.

 Người dân xã Ia Tiêm chăm sóc lúa nước vụ Đông xuân 2024-2025. Ảnh: N.D

Người dân xã Ia Tiêm chăm sóc lúa nước vụ Đông xuân 2024-2025. Ảnh: N.D

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ cuối tháng 2, hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại một số địa phương không chủ động nguồn nước tưới hoặc ở xa các công trình thủy lợi. Đến nửa cuối tháng 3, hạn hán có khả năng xảy ra trên diện rộng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Trước thông tin dự báo về tình hình thời tiết và sau sự cố tại hồ thủy lợi Ia Ring, UBND huyện đã xây dựng phương án sản xuất phù hợp tại các khu vực sử dụng nguồn nước tưới từ công trình này.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai điều tiết cung cấp nước theo phương án đã phê duyệt; khuyến cáo người dân tưới tiết kiệm nước và lấy nước theo sự điều tiết của Công ty, không để xảy ra tranh chấp.

Đặc biệt, huyện vận động người dân xã Dun, Chư Pơng, Ia Tiêm và thị trấn Chư Sê chuyển đổi khoảng 205 ha lúa nước sang cây trồng ngắn ngày nhằm tránh thiệt hại do thiếu nước tưới.

“Sau Tết Nguyên đán sẽ là cao điểm của mùa khô. Dựa trên nguồn nước tích trữ tại các công trình thủy lợi, huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý, khai thác công trình có kế hoạch điều tiết nước phù hợp, tránh để xảy ra hạn hán cuối vụ gây thiệt hại cho người dân”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thông tin thêm.

NGUYỄN DIỆP

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-se-chu-dong-ung-pho-voi-nguy-co-thieu-nuoc-tuoi-post307257.html
Zalo