Hà Nội thu ngân sách 9 tháng đầu năm tăng 22,2% so với cùng kỳ
Chiều 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế xã hội quý III năm 2024.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Theo đó, tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thành phố Hà Nội thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 là 68.439 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán đầu năm, tăng 17,1% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư xã hội tăng khá. Quý III năm 2024 đạt 143.928 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm đạt 351.849 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%). Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 5.611 nghìn tỷ đồng, tăng 5,16%; tổng dư nợ đạt 4.072 nghìn tỷ đồng, tăng 12,59%.
Bên cạnh đó, xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu Quý III năm 2024 đạt 5.611 triệu USD, tăng 28,8%; 9 tháng đầu năm đạt 14.447 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu Quý III năm 2024 đạt 10.918 triệu USD, tăng 10,9%. 9 tháng đầu năm đạt 30.465 triệu USD, tăng 13% (cùng kỳ giảm 12,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5%.
Điểm sáng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội là hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định; công nghiệp tăng khá. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Quý III năm 2024 tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 3,0%). 9 tháng đầu năm tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 2,6%). Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tương ứng tăng 4,8%; Sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; Cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,1%; Khai khoáng tăng 0,9%. Một số ngành công nghiệp chủ lực tăng khá: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,1%; Dệt tăng 7,6%; Sản xuất trang phục tăng 9,3%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,6%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,6%; Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,1%.
Đặc biệt, du lịch duy trì tăng trưởng khá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt 4,581 triệu lượt, tăng 31,3% (cùng kỳ tăng 2 lần); trong đó: khách quốc tế 3,156 triệu lượt, tăng 41,5%; khách nội địa 1,405 triệu lượt, tăng 12,9%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 62,6%; tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ngày 09/9/2024, Hà Nội đón nhận 03 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá. Song tình hình doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số đăng ký mới và vốn đăng ký giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hút 1.540,4 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có 197 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.111,5 triệu USD; 143 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 220,7 triệu USD và 178 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 208,1 triệu USD.
Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, có 21.840 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 198.986 tỷ đồng (giảm 7% về số lượng doanh nghiệp, giảm 15% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước); 3.308 doanh nghiệp giải thể (tăng 21%); 20.086 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 19%); 4.049 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 19,7%). Có 7.558 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 11%). Lũy kế, tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là 397.008 doanh nghiệp.
Ông Tú cũng nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế: kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023-2024, Hà Nội có tổng 184 giải, tăng 43 giải so với năm học trước (trong đó: có 14 giải Nhất, 61 giải Nhì, 54 giải Ba và 55 giải Khuyến khích), đây là năm thứ 12 liên tiếp Hà Nội dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi Quốc gia. Tính đến ngày 15/9/2024, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt là 64,5% (1.812/2.809), trong đó công lập là 79,7% (1.793/2.251).
Cùng với đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 9 tháng đầu năm 2024, UBND Thành phố đã phê duyệt thêm 13 đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, nâng tổng số đồ án quy hoạch phân khu được duyệt lên thành 19/29 đồ án; đã phê duyệt tổng số 89 nhiệm vụ, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, bao gồm: 06 nhiệm vụ; 13 quy hoạch phân khu và 14 điều chỉnh quy hoạch phân khu; 4 quy hoạch chi tiết và 21 điều chỉnh quy hoạch chi tiết; 20 quy hoạch tổng mặt bằng.
Trong Quý IV/2024, Thành phố xác định tập trung chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP. Hoàn thành Chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện 02 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi. Hoàn thành xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.