Hà Nội - Thành phố vì hòa bình
Năm nay kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu 'Thành phố vì hòa bình', 25 năm UNESCO đặt văn phòng tại Hà Nội. Sau 25 năm, hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, Hà Nội là điểm sáng trong hợp tác giữa Việt Nam - UNESCO với nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Danh hiệu 'Thành phố vì hòa bình' đã và đang mang lại cho Thủ đô nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa.
Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Sự kiện đó có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện được niềm tin, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. Sau 25 năm, hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, Hà Nội là điểm sáng trong hợp tác đó với nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Trong suốt 25 năm qua, Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực, toàn diện, trở thành điểm đến “an toàn - thân thiện”. Trong quá trình ấy, UNESCO đã hỗ trợ Việt Nam quảng bá nền văn hóa và di sản vô cùng phong phú và đa dạng, đồng thời xác định văn hóa là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Ông Firmin Edouard Makoto – Trợ lý Tổng Giám Đốc phụ trách châu Phi và quan hệ đối ngoại UNESCO chia sẻ: “Việt Nam đã trải qua một giai đoạn dài chìm trong chiến tranh, khi đó Chính phủ Việt Nam và chính quyền thành phố Hà Nội muốn chuyển mình, xây dựng một hình ảnh mới về Thủ đô, một kỷ nguyên mới của hòa bình, của sự kết nối với những vùng miền khác và thậm chí là với các quốc gia khác xung quanh. UNESCO quyết định trao giải thưởng này cho Hà Nội và tôi vinh dự được chứng kiến những phút giây lịch sử thật tự hào đó”.
Kể từ khi Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, ông Firmin Edouard Makoto cũng có vài lần trở lại Hà Nội. Và mỗi lần trở lại, ông đều được chứng kiến những bước vươn mình đổi thay của Hà Nội.
Ông Firmin Edouard Makoto – Trợ lý Tổng Giám Đốc phụ trách châu Phi và quan hệ đối ngoại UNESCO cho biết thêm: “Lần nào trở lại Hà Nội, tôi đều cảm nhận được những sự thay đổi đáng kinh ngạc. Hà Nội chuyển mình vươn lên một cách mạnh mẽ, cởi mở, năng động mang tầm vóc của một thành phố quốc tế. Điều đáng chú ý là chính quyền và các đối tác của thành phố Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng và phát triển thành phố, song song với việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản. Công tác bảo tồn di sản của Trung tâm di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long là một minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực đó của chính quyền thành phố Hà Nôi”.
Sau 25 năm hiện diện tại Việt Nam, hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, riêng thành phố Hà Nội có 6 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh gồm: Nghệ thuật Ca trù (công nhận năm 2009), Hoàng Thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới (công nhận năm 2010), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (công nhận năm 2010), Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (được công nhận năm 2011), Nghi lễ và Trò chơi kéo co (công nhận năm 2015), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (công nhận năm 2016).
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và 25 năm thành lập Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, ông Firmin Edouard Makoto, trợ lý Tổng Giám Đốc phụ trách châu Phi và quan hệ đối ngoại UNESCO đã được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô” vì những đóng góp của mình. Ông đã có những đóng góp trong nhiều vai trò khác nhau cho sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và UNESCO, để UNESCO đưa ra quyết định quan trọng vào năm 1999 lựa chọn đặt văn phòng đại diện của mình tại Hà Nội, hỗ trợ Hà Nội được công nhận là "Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo". Ông cũng đã thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ to lớn đối với hồ sơ bảo tồn Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long kể từ khi được công nhận.