Hà Nội: Tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng từ quỹ đất vùng phụ cận Vành đai 4

Ngày 3/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị công tác tổ chức thực hiện Đề án cần bảo đảm công khai, minh bạch.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị công tác tổ chức thực hiện Đề án cần bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo nội dung dự thảo của đề án, quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có diện tích khoảng hơn 18 ngàn ha với 40 khu đất, trong đó diện tích có thể khai thác là khoảng gần 9 ngàn ha. Hình thức khai thác được đề xuất bao gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; thực hiện hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đề xuất dự án đầu tư...

Trên cơ sở kết quả rà soát quỹ đất, dự kiến nguồn thu từ việc thực hiện Đề án trong giai đoạn 2024-2030 khoảng 140 ngàn tỷ đồng (đã khấu trừ kinh phí giải phóng mặt bằng).

Đóng góp ý kiến phản biện, nhiều chuyên gia, nhà khoa học khẳng định việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết.

Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận tuyến đường, là cơ sở để lập dự án thu hút đầu tư, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, đồng thời ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả tại các địa phương; tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, Đề án cần được thực hiện minh bạch, công bằng và có sự giám sát chặt chẽ. Đồng thời cũng cần tính đến cơ chế bảo đảm quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt về tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội lưu ý một số vấn đề cần quan tâm như về tổ chức thực hiện cần tiếp cận đổi mới theo Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nhìn chung dự thảo Đề án đã khái quát nhưng chưa tiếp cận các đột phá mới đang thực hiện, cần nghiên cứu để điều chỉnh nhằm bảo đảm tính khả thi khi Đề án được ban hành.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng Đề án cần tiếp cận các đột phá mới.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng Đề án cần tiếp cận các đột phá mới.

Đánh giá cao các ý kiến phản biện thẳng thắn, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, cập nhật các văn bản chỉ đạo mới của trung ương, thành phố, bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị của Đề án; tên của Đề án cần gắn với mục tiêu. Cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ hơn khái niệm vùng phụ cận, việc khảo sát phân loại, các hình thức khai thác quỹ đất vùng phụ cận. Đối với công tác tổ chức thực hiện, cần đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh xã hội, chủ động thông tin truyền thông việc triển khai Đề án, gắn với kiểm tra giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch.

MINH THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-tao-von-phat-trien-ket-cau-ha-tang-tu-quy-dat-vung-phu-can-vanh-dai-4-post869956.html
Zalo