Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực
Năm 2024 đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, trong đó có nhiều sự kiên, chương trình được đánh giá là có tầm vóc, sức hút, hiệu ứng xã hội lớn, khẳng định vị thế, uy tín của Hà Nội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Hàng loạt các hoạt động, dự án văn hóa với sự kết hợp giữa giá trị di sản truyền thống cùng những sáng tạo mang tính hiện đại đã tạo nên những đột phá trong lĩnh vực Công nghiệp văn hóa của Hà Nội trong năm 2024.
Trong số nhiều thành tựu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô trong năm vừa qua có thể kể đến những sự kiện sau:
“Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật - 22 Hàng Buồm” chính là minh chứng sinh động cho chủ trương của Hà Nội: Làm giàu vốn văn hóa, sáng tạo từ tài nguyên di sản.
Vốn là Hội quán Quảng Đông từ đầu thế kỷ 20, sau được trưng dụng là Nhà trẻ. Nhưng nhờ có những tâm huyết của chính quyền quận Hoàn Kiếm, các kiến trúc sư và nghệ sĩ, nơi đây được phục dựng kiến trúc xưa cũ, trở thành địa chỉ thú vị để du khách tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, giá trị kiến trúc - nghệ thuật - văn hóa của công trình.
Từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12/2023, Công nghiệp văn hóa đã có những dấu ấn đột phá, với nhiều sự kiện văn hóa, sáng tạo đầy ấn tượng, tạo sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn.
Riêng Thủ đô Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, và Thành ủy Hà Nội đã có hẳn một Nghị quyết - Nghị quyết 09 - 2022 phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong lĩnh vực Điện ảnh và Nghệ thuật biểu diễn, đã có nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, như Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, bộ phim Đào Phở và Piano, các đêm diễn “cháy vé” của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say Hi!”. Đó cũng chính là những minh chứng sống động trong đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 từng gây ấn tượng với việc khoác áo mới cho không gian di sản công nghiệp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, hay đánh thức Tháp nước Hàng Đậu sau gần 100 năm đóng cửa.
Bước sang mùa thứ 4, Lễ hội này tiếp tục chạm tới nhiều kiến trúc biểu tượng tinh hoa văn hóa của Thủ đô như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… và đặc biệt đón công chúng tham quan những di sản lần đầu tiên mở cửa như: Nhà khách Chính phủ, Đại học Khoa học tự nhiên.
Hà Nội đang chứng minh sự tiến bộ trong việc hiện thực hóa trở thành thành viên xứng đáng trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và là trung tâm sáng tạo của khu vực - Một kênh hiệu quả để phát triển ngành Công nghiệp văn hóa vốn rất nhiều thử thách.