Hà Nội: Sẽ đề xuất hỗ trợ giải phóng mặt bằng, không để dân 'phú quý giật lùi'
Hà Nội thay đổi chính sách hỗ trợ tài sản khiến giải phóng mặt bằng đình trệ, 1.000 dự án 'mắc cạn'. Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sẽ đề xuất chính sách đảm bảo quyền lợi người dân theo dự án cụ thể.
1.000 dự án dang dở "mắc cạn"
Dự án đường tỉnh 414, từ ngã ba Vị Thủy (Sơn Tây) đến ngã tư Tản Lĩnh (Ba Vì) là một trong những dự án điển hình. Theo đó, đường tỉnh 414 có chiều dài khoảng 5km, thời gian triển khai dự án 2 năm, 2022 - 2024. Thế nhưng đến nay, dự án lụt tiến độ, chính quyền địa phương mới bàn giao được 1/3 diện tích mặt bằng cho nhà thầu thực hiện dự án.

Dự án đường tỉnh 414 Sơn Tây (Hà Nội) thi công ngổn ngang do vướng mặt bằng. Ảnh: Nguyễn Hùng.
Nguyên nhân là 300/800 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chịu tác động của công tác giải phóng mặt bằng không đồng thuận khi họ không được hỗ trợ tài sản theo Quyết định 56 thay thế Quyết định 10 Quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội.
Trước đó, Báo Xây dựng đã phản ánh, QĐ10 của Hà Nội trước đây cho phép hỗ trợ công trình, vật kiến trúc xây dựng không hợp pháp với từng thời điểm khác nhau. Nhưng QĐ56 (56/2024) mới không cho hỗ trợ hạng mục này. Thay đổi của Hà Nội dẫn đến bất cập khi thực hiện dự án, khi lượng hồ sơ rất lớn, nhiều nguồn gốc đất, kéo theo hạn chế về số lượng nhân lực, vật lực, trong thời gian ngắn địa phương không thể thực hiện được.
Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 đoạn từ Km 0+00 - Km 5+900, thị xã Sơn Tây cũng tương tự, đoạn đường dài hơn 6km, tổng mức đầu tư 474 tỷ đồng do UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Mục tiêu đưa dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2024, nhưng vướng giải phóng mặt bằng, phải giãn tiến độ.
Theo báo cáo của Sơn Tây, dự án này có khoảng 292 hộ gia đình có tài sản xây dựng không hợp pháp. Thị xã đã phê duyệt phương án cho 214 hộ. Còn 90 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, trong đó 14 hộ đã họp hội đồng thẩm định, đang chờ ban hành quyết định thu hồi đất; 20 hộ đã họp hội đồng thẩm tra, đang công khai dự thảo phương án.
Tại quận Hoàng Mai, Dự án đường Tam Trinh, chiều dài gần 3,6km, tổng mức đầu tư 3.354 tỷ đồng. Dự án khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Thế nhưng đến nay, nhà thầu mới chỉ tổ chức thi công được khoảng 800m.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội), trên địa bàn thành phố có 1.000 dự án còn dang dở (đã thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần theo Luật Đất đai 2013). Phần diện tích còn lại thực hiện theo Luật Đất đai 2024 dẫn đến chính sách GPMB trong cùng một dự án không đồng nhất về chính sách tái định cư, không đồng nhất về chính sách hỗ trợ khác, không đồng nhất chính sách bồi thường tài sản.
Pháp luật không hạn chế "chính sách hỗ trợ khác"
Ông Nguyễn Viết Đạt, Phó chủ tịch thị xã Sơn Tây kiến nghị, để có cơ sở tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, TP Hà Nội cần tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong cùng một dự án, tránh bức xúc trong nhân dân, dẫn đến nhiều đơn thư, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.448 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2013 và tiếp tục thực hiện theo Luật Đất đai 2024, với diện tích khoảng 12.430ha. Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2024 còn một số vướng mắc.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đất Đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết: Luật Đất đai 2024 sửa đổi theo hướng có lợi cho người sử dụng đất, người có đất bị thu hồi. Luật lần này rõ hơn ở chỗ, đã tách riêng người sử dụng đất có đất thu hồi với chủ sở hữu tài sản trên đất.
Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013 vẫn quy định các khoản bồi thường, hỗ trợ. Người có đất thu hồi vẫn được hưởng các khoản: bồi thường về đất, bồi thường về thiệt hại tài sản gắn liền với đất được tạo lập hợp pháp.
Ngoài khoản bồi thường, người sử dụng đất còn được hưởng các khoản hỗ trợ, bao gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất; hỗ trợ di dời tài sản, vật nuôi; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm (áp dụng với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất bị thu hồi, người nhận khoán của các nông, lâm trường).
Ngoài ra người sử dụng đất có đất bị thu hồi còn khoản hỗ trợ khác. Sở dĩ có quy định "hỗ trợ khác", là bởi trong thực tiễn cuộc sống, hoạt động thu hồi, giải phóng mặt bằng có muôn hình vạn trạng. Mỗi tình huống ở địa phương thu hồi đất có những đặc điểm khác nhau mà luật pháp không thể lường trước được. Nên việc quy định khoản hỗ trợ khác giúp cho địa phương tùy theo hoàn cảnh thực tế của dự án đó để có những khoản hỗ trợ, làm sao bảo đảm quyền và lợi ích của người có đất bị thu hồi, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất, có sinh kế. Đây là quy định mở, thẩm quyền thuộc địa phương quyết định.
Bên cạnh đó, quy định hỗ trợ khác cũng có khác nhau giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Trước đây, hỗ trợ khác có quy định là do địa phương quyết định, một số nơi như Hà Nội, họ đưa thẳng vào QĐ10. Nhưng bây giờ Luật Đất đai 2024 quy định áp dụng đối với từng dự án cụ thể, để thuận lợi khi triển khai, áp dụng với từng dự án khác nhau.
Trở lại câu chuyện của Hà Nội, khi thay đổi chính sách đột ngột, khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng, nhiều dự án đang làm dở dang bị “mắc cạn”, ông Bình cho rằng: Hà Nội nên có những chính sách hỗ trợ khác với từng dự án cụ thể để người dân đồng thuận, bảo đảm cùng một dự án không có sự chênh lệch trong chính sách hỗ trợ.
"Pháp luật không hạn chế việc đó nên Hà Nội làm sao bảo đảm quyền lợi cho người dân được hài hòa, không có so bì, khiếu kiện. Tài sản có thể tạo lập không hợp pháp, nhưng khi phá dỡ, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, người dân phải di dời chỗ khác thì phải có khoản hỗ trợ giúp người dân có đời sống ổn định", ông Bình nói và cho biết thêm Luật Đất đai 2024 cũng có quy định chuyển tiếp, đối với dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện theo đúng phương án được phê duyệt.
Đảm bảo quyền lợi người dân bằng hoặc tốt hơn quy định cũ
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) góp ý, cần một cơ chế chuyển tiếp linh hoạt, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chính sách trên cùng một dự án.
Theo ông Võ, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, điều này cũng tạo ra sự chênh lệch giữa những hộ dân đã nhận bồi thường theo cơ chế cũ và những hộ dân thuộc diện áp dụng chính sách mới.
Ông Võ nhấn mạnh: "Đối với các dự án đã triển khai bồi thường một phần theo Luật Đất đai 2013, có thể xem xét giữ nguyên phương án đã được phê duyệt để tránh xáo trộn, trừ trường hợp chính sách mới có lợi hơn và được người dân đồng thuận".
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho PV Báo Xây dựng biết, theo Luật đất đai 2013, chính sách hỗ trợ khác được nâng lên thành quyết định, đưa vào QĐ10. Bây giờ, Luật Đất đai 2024 quy định chính sách hỗ trợ khác áp dụng với từng dự án cụ thể. Luật Đất đai 2024 cũng quy định, tài sản tạo lập trên đất không hợp pháp thì không được hỗ trợ. Chỉ bảo vệ quyền sử dụng tài sản hợp pháp.
Theo ông Quân, đối với các dự án đang thực hiện, có trường hợp (gia đình, tổ chức, cá nhân - PV) đã được phê duyệt hỗ trợ theo QĐ10 rồi, Sở Nông nghiệp Môi trường sẽ tổng hợp, báo cáo thành phố để thực hiện hỗ trợ tiếp dựa trên đề xuất của các quận huyện.
Ví dụ cụ thể hơn, một tuyến đường A, có 20 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng, trong đó 10 hộ đã được phê duyệt phương án hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ đề xuất tiếp tục đề xuất hỗ trợ 10 hộ còn lại. Còn trường hợp, cả tuyến đường 20 hộ thuộc đối tượng chịu tác động giải phóng mặt bằng nhưng chưa hộ nào được phê duyệt sẽ thực hiện phê duyệt lại theo quy định mới.
"Nguyên tắc đồng bộ chính sách là nguyên tắc xuyên suốt từ trước đến nay, theo xu thế có lợi cho dân. Nếu chính sách đằng sau Luật Đất đai 2024 gây ra cho người dân những quyền lợi thiệt hơn thì thành phố sẽ phải cân đối để có hỗ trợ khác để đảm bảo quyền lợi cho người dân bằng hoặc tốt hơn cái cũ. Giả sử rà soát luật chặt chẽ hơn, chính sách quyền lợi người dân giảm đi so với cũ thì Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất những hỗ trợ khác đảm bảo ít nhất là bằng cũ, không để người dân "phú quý giật lùi", ông Quân nói.