Hà Nội: Rèn Đa Sỹ - Kiến Hưng lọt Top 10 thương hiệu quốc gia

Làng nghề rèn Đa Sỹ (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) đã có truyền thống trăm năm và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam.

Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ không chỉ trong Nam ngoài Bắc biết tới mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ không chỉ trong Nam ngoài Bắc biết tới mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó, người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác, đao, kiếm cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng, giữ yên bờ cõi và rèn các nông cụ phục vụ lao động sản xuất. Phải tới thời nhà Trần, đầu thế kỷ 13, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra đây truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn. Trải qua hàng trăm năm phát triển và gìn giữ, làng Đa Sỹ giờ đây thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Dù diện mạo có phần đổi khác, nhưng vẫn mang dáng dấp của một làng nghề xưa. Lớp thợ tay nghề “Vàng” của làng đã mất, nhưng lớp thợ mới vẫn giữ gìn bảo tồn nghề truyền thống của làng.

Hiệp hội Làng nghề rèn Đa Sỹ được thành lập từ năm 2000 và đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam. Người dân làng Đa Sỹ vẫn hàng ngày hăng say với nghề truyền thống của ông cha truyền lại. Và cứ vào ngày 27 tháng 3 và ngày 25 tháng 8 âm lịch hàng năm, ngày mất của hai cụ tổ nghề Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần, người dân làng Đa Sỹ lại tổ chức lễ giỗ hai cụ trang nghiêm, tưởng nhớ những người có công khai nghiệp cho dân làng có được cuộc sống thanh bình, ấm no.

Sản phẩm rèn của làng Đa Sỹ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm nào trong vùng đồng bằng Bắc bộ. Chính vì thế mà sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ không chỉ trong Nam ngoài Bắc biết tới mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo ông Hoàng Chính Cường, người dân làng nghề Đa Sỹ cho biết: Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, mỗi người dân chúng tôi luôn chú trọng việc sản xuất phải gắn liền với việc giữ gìn và phát triển thương hiệu sản phẩm rèn Đa Sỹ, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương. Đồng thời, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển.

Dao Đa Sỹ là sản phẩm nổi tiếng của làng nghề truyền thống Đa Sỹ nói chung. Để tạo ra được các sản phẩm dao Đa Sỹ độc đáo thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Hộ kinh doanh sử dụng 100% thép nhíp ô tô Liên Xô là loại thép có độ sắc, độ bền cao. Thép nhíp được xẻ thành các thanh nhỏ cho vào lò nung trên 1.000 độ C. Sau khi phôi thép được nung có màu đỏ rực sẽ được người thợ đem ra dùng búa để tạo dáng sản phẩm theo yêu cầu, tùy theo loại dao mà phải rèn đi rèn lại nhiều lần khác nhau. Sau khi tạo được cơ bản dáng dao thì người thợ cho vào lò 1 lần nữa khi có màu vàng rơm thì cho vào thùng vôi bột để ủ cho mềm. Đợi khi nguội hẳn thì bỏ sản phẩm phôi ra đánh vẩy, đàn nguội cho thẳng, nhẫn và làm cho các thành phần của thép được sắp xếp lại sao cho hợp lý cũng là một phần để tạo cho độ sắc và bền con dao được tăng lên đáng kể. Việc quay búa đòi hỏi các người thợ lành nghề thao tác nhanh, mạnh và dứt khoát để tạo dáng định hình phôi sản phẩm.

Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội đã đạt được nhiều thành tích đáng kể như: Danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam” do Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng; Danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” do UBND Thành phố Hà Nội tặng; Sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp thành phố; Đạt danh hiệu “Top 10 thương hiệu uy tín quốc gia 2024” do Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam chứng nhận.

Bằng bàn tay khéo léo, sự tâm huyết với nghề gửi gắm trong từng sản phẩm dao Đa Sỹ, những người thợ của làng nghề rèn đã không ngừng lao động, góp phần vào việc gìn giữ, phát triển làng nghề, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Thảo Phương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-ren-da-sy-kien-hung-lot-top-10-thuong-hieu-quoc-gia-389982.html
Zalo