Hà Nội quyết liệt ngăn chặn vi phạm an toàn thực phẩm

Để bảo vệ an toàn sức khỏe người dân, CATP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp xử lý vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, chủ động phát hiện, ngăn chặn đường đi của thực phẩm 'bẩn', từ các kho lạnh đến chợ, vào bếp ăn, nhà hàng, quán ăn đường phố…

Vi phạm tràn lan

Trong những ngày vừa qua, CATP Hà Nội liên tiếp phối hợp các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Đặc biệt, chỉ tính riêng Phòng Cảnh sát kinh tế trong thời gian 1 tháng (từ ngày 15-4 đến ngày 15-5) đã phát hiện hơn 10 vụ việc vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng quyết tâm đánh mạnh thực phẩm bẩn

Cơ quan chức năng quyết tâm đánh mạnh thực phẩm bẩn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP, ngày 21-4, Đội Phòng ngừa điều tra án kinh tế tham nhũng, môi trường trong lĩnh vực khác (Phòng Cảnh sát kinh tế) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ xã Lê Lợi, huyện Thường Tín. Quá trình kiểm tra phát hiện hơn 14.000 con gà đông lạnh có khối lượng hơn 18.454kg và 560kg nội tạng gà đông lạnh, trị giá hàng hóa khoảng 712 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, ra quyết định xử phạt số tiền 180 triệu đồng đối với hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” và buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng.

Ngày 23-4, hai đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra hộ kinh doanh Tuấn Tâm ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, phát hiện số lượng lớn các loại thực phẩm đông lạnh như xúc xích, lạp xưởng, bánh cá, chả rau, khoai, đậu, thanh cua, chả mực, há cảo… với tổng trị giá khoảng 54 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa đều do nước ngoài sản xuất và không cùng lô, cùng loại. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và ra quyết định xử phạt số tiền là 50 triệu đồng, buộc tiêu hủy theo quy định.

Cần quyết liệt làm rõ trách nhiệm liên quan

Trong thời gian 1 tháng, hơn 10 vụ thực phẩm bẩn với số lượng lớn đã bị lực lượng Công an Hà Nội phát hiện bắt giữ. Và bức xúc hơn, đó lại là những loại thực phẩm người dân sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Chưa bao giờ chúng tôi lại cảm thấy bất an với bữa ăn hàng ngày của mình như hiện nay ngay cả khi ăn ở nhà cũng như khi đi ăn tại các hàng quán. Bởi lẽ, mỗi khi lật giở các trang báo ra, chúng ta lại đọc những thông tin về các loại thực phẩm bẩn bị bắt giữ, thậm chí là nghi ngờ ngâm tẩm các loại hóa chất độc hại. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân sáng suốt, thông thái khi lựa chọn các loại thực phẩm an toàn thì các cơ quan chức năng cũng cần phải quyết liệt làm rõ trách nhiệm liên quan trong việc để thực phẩm bẩn buôn bán, vận chuyển tràn lan như hiện nay. Người dân mong chờ các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội)

Ngày 5-5, hai đơn vị kiểm tra điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì do Lê Hồng Phong (trú tại tỉnh Nghệ An) làm chủ. Thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 2.560kg trứng non, 200kg trứng gà, 3.050kg nầm heo, 1.200kg tràng lợn là thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tổ công tác đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, ra quyết định xử phạt số tiền 90 triệu đồng đối với hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu”, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa.

Ngày 13-5, lực lượng chức năng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại ngõ 197 Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, phát hiện khoảng 800kg thực phẩm đông lạnh gồm tràng và trứng gà non không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ số hàng trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp cũng như giấy tờ chứng minh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 14-5, Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp tục phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14 kiểm tra một xe ô tô đang dừng đỗ tại khu vực cầu Thanh Trì, thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, phát hiện và tạm giữ 10.000 sản phẩm xúc xích do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Những vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm

Những vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên tiếp các vụ thực phẩm bẩn với hàng chục tấn hàng hóa bị CATP Hà Nội phát hiện và bắt giữ trong những ngày qua khiến người tiêu dùng hoang mang, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc trách nhiệm cơ quan quản lý khi thực phẩm bẩn đang được thu gom cũng như mua bán tràn lan trên thị trường. Theo chủ của các cơ sở trên khai nhận, số thực phẩm bẩn được thu mua trôi nổi trên thị trường. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, số thực phẩm này có thể được tuồn vào các chợ, quán ăn vỉa hè thậm chí cả các nhà hàng trên khắp địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, với sự phát triển của các kênh bán hàng trực tuyến cũng như mạng xã hội hiện nay, thực phẩm cũng là mặt hàng đang được mua bán một cách tràn lan trên mạng.

Chỉ cần gõ cụm từ “bán nầm lợn”, “tràng trứng gà non”, “chân gà rút xương”, “lòng xe điếu” vào ô tìm kiếm của Google... là đã cho ra hàng trăm kết quả của những đầu mối cung cấp những mặt hàng này. Đặc điểm chung những chủ buôn trên mạng là họ đều đảm bảo bằng... miệng rằng những loại thực phẩm này là “hàng tươi sống”, “mới ra lò” hoặc “của nhà nuôi” nên rất... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, những thực phẩm này đều được cấp đông, đóng gói sơ sài khi giao đến khách hàng và hầu hết là không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Vấn đề đặt ra là có nhiều cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương như Quản lý thị trường, cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn để thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và được buôn bán, vận chuyển tràn lan. Vừa qua, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã bị khởi tố vì nhận hối lộ. Cùng với việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì những người này còn bị dư luận, đạo đức xã hội lên án. Bởi chỉ vì tiền mà họ thay vì ngăn chặn đã tiếp tay cho những kẻ làm ăn phi pháp, đầu độc người dân.

Thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường

Thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường

Chủ động đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn

Chỉ huy Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội thông tin, thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội và Bộ Công an về “Triển khai tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025” với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, căn cứ tình hình, đặc điểm, đặc thù địa bàn, CATP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch để xử lý các vi phạm liên quan lĩnh vực này. Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh - Đội trưởng Đội phòng ngừa điều tra án kinh tế tham nhũng, môi trường trong lĩnh vực khác (Phòng Cảnh sát kinh tế) cho biết, việc triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa các vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm, tăng cường kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đặc biệt là hàng giả, hàng nhập lậu, rượu có chất độc hại, chuyển truy tố các vụ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Làm tốt công tác phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc trên quy mô lớn.

Cùng với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, CATP Hà Nội kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này để đề xuất biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Từ đầu năm 2025 đến nay, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội trong đó chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường đã chủ động trong công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp như chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố, sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, địa bàn trung chuyển hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, từ đó kịp thời xác định và phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm. Công an các cấp trong toàn CATP Hà Nội chủ động tham gia phát huy vai trò, trách nhiệm của công an trong các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của UBND TP, UBND các quận, huyện kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, khép kín địa bàn, chặn đường đi của “thực phẩm bẩn” lên bàn nhậu vào bữa ăn gia đình, nhà hàng…

Về phía thành phố Hà Nội, sát cánh cùng các lực lượng chức năng đấu tranh với thực phẩm bẩn, ngày 22-5, HĐND TP Hà Nội đã quyết định thành lập đoàn khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đây là một trong những nỗ lực của thành phố nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trước tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không nguồn gốc, hàng giả đang tràn lan như hiện nay. Đoàn khảo sát sẽ thực hiện nhiệm vụ trong tháng 6-2025, tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá thực trạng thực thi pháp luật, phát hiện những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở đó, đoàn khảo sát sẽ kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối tượng khảo sát bao gồm các sở, ngành chức năng như Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cùng với UBND các quận, huyện, thị xã. Nội dung khảo sát tập trung vào việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, công tác tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm”.

Đấu tranh với vi phạm về an toàn thực phẩm rất gian nan

Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý

Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý

Chúng ta đang có sự thay đổi đan xen giữa kinh tế truyền thống và thương mại điện tử khiến cho việc mua bán, vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn bao giờ hết. Mọi thứ, trong đó cả thực phẩm, đều có thể “ship” đến tay người tiêu dùng chỉ sau một cú “click” trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, cửa hàng kinh doanh mặt phố không còn là địa điểm kinh doanh lý tưởng như trước nữa. Kho, nhà xưởng, văn phòng thường được đặt ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí trên giấy tờ một nơi, nhưng thực tế lại ở nơi khác, nhiều địa chỉ “ảo” được sử dụng. Nhiều trường hợp kho xưởng được đặt các tỉnh, thành phố khác nhau gây khó khăn cho công tác quản lý, phát hiện các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, việc hàng hóa trong đó có thực phẩm kém chất lượng, hàng giả (hàm lượng chất lượng thực tế không bằng các thông số công bố), hàng đông lạnh nhập lậu từ biên giới theo đường tiểu ngạch tràn lan vào thị trường trong nước, theo các tiểu thương đến các chợ truyền thống, quán ăn đường phố, bếp ăn công nghiệp do giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã, sản phẩm. Một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, vi phạm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đồng thời, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý. Nhận thức, ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn tùy tiện, dễ dãi, có thể vì giá rẻ nên không chú ý đến nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm…, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhất là quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao.

Hiện nay, một số vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm đã bị xử phạt nghiêm, xử lý hình sự tuy nhiên, chủ cơ sở tìm mọi cách để “lách luật” như thay đổi tên người đại diện, chủ sở hữu của hàng hóa liên tục, bằng mọi cách để tiếp tục kinh doanh. Chính những điều này đã gây không ít khó khăn cho cơ quan kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trung tá Đậu Khánh Thành Phòng Cảnh sát Kinh tế (CATP Hà Nội)

Chủ kinh doanh thực phẩm bẩn có thể bị phạt tù đến 12 năm

Luật sư Nguyễn Hồng Vân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2020, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Việc mua bán, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bằng xe đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thú y và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dưới góc độ pháp lý, chủ hàng có thể phải đối mặt với nhiều chế tài xử lý, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, bao gồm xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, và trong một số trường hợp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức xử phạt hành chính: Căn cứ Điều 3 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP, ngày 28-12-2021 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng và đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Trong trường hợp nếu cơ quan điều tra xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chủ hàng có thể bị xử lý theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 tội danh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Theo Điều 317, mức hình phạt bao gồm phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc sử dụng thủ đoạn tinh vi, có tổ chức; hoặc thực phẩm được tiêu thụ trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (như gây ngộ độc, tử vong…) hình phạt có thể lên đến 12 năm tù, kèm theo cấm hành nghề hoặc cấm kinh doanh đến 5 năm. Ngoài hình phạt chính, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm (nếu có); buộc bồi thường thiệt hại nếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, theo dõi trong các hoạt động kinh doanh thực phẩm về sau.

Bảo Bình (Ghi)

Linh Nhi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-quyet-liet-ngan-chan-vi-pham-an-toan-thuc-pham-post612706.antd
Zalo