Hà Nội qua 'Mặt Phố', 'Mặt Chùa', 'Mặt Chợ'

Những góc phố, con người, món ăn… qua thời gian đã trở thành một phần làm nên bản sắc Hà Nội. Đó cũng là cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tạo, nhằm thể hiện tình cảm dành cho thành phố dung dưỡng mình theo cách đặc biệt.

Ai cũng có một Hà Nội của riêng mình

Sau ba thập kỷ gặp gỡ và trở thành những người bạn thân thiết, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nhận thấy cần phải làm một điều gì đó cùng nhau để tôn vinh Hà Nội - thành phố gắn liền với tuổi thơ và sự nghiệp của họ.

Thành công trong các lĩnh vực của mình, họ đã tìm đến nhau để tạo nên một dự án chung. Thay vì bắt đầu bằng một hình thức nghệ thuật, họ lựa chọn truyền tải thái độ sống và tình cảm dành cho Hà Nội.

150 mặt nạ điêu khắc, được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, như một lời tri ân của ba nghệ sĩ đối với Hà Nội, đang được trưng bày tại Hội Quán Quảng Đông, số 22 Hàng Buồm, Hà Nội (đến hết ngày 10.11).

 Một góc triển lãm

Một góc triển lãm

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, cùng sinh ra ở phố cổ Hà Nội, dù theo đuổi những con đường nghệ thuật riêng, cả ba nghệ sĩ đều chia sẻ chung tình yêu sâu sắc với Hà Nội. Đó là điều đã gắn kết họ trong suốt ba thập kỷ qua. Cùng triển lãm chung lần này, với ba cách thể hiện khác nhau, họ đã tạo ra ba chủ đề chính cho triển lãm: Mặt Phố, Mặt Chùa, Mặt Chợ.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà chọn Mặt Phố, từ chính tình yêu dành cho những ngõ phố Hà Nội, nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận của ông trong văn học. Với ông, các mặt nạ được khắc họa không chỉ là những khuôn mặt mà còn là những mảnh ghép của cuộc sống nơi phố phường Hà Nội.

Từng cho ra mắt nhiều tác phẩm viết về Hà Nội như “Con giai phố cổ”, “Tuyệt không dấu vết”, “Giọng của phố”… nhà văn Nguyễn Việt Hà cho biết: “Chúng tôi định làm triển lãm về chủ đề thuần Hà Nội lấy tên là “Vỉa hè”, nhưng có nhiều điều vướng, cho đến khi anh Đạt có ý tưởng làm về triển lãm “Mặt nạ”. Trên khoảng 30 mặt nạ, tôi viết những câu trong các tập tản văn của mình, mỗi câu 7 - 8 chữ, chủ đề chính vẫn là Hà Nội”.

“Quan niệm về phố Hà Nội, Hà Nội có phẩm tính gì, thực sự tôi đã viết nhiều trong truyện ngắn, tiểu thuyết và tạp văn, và ngoài Hà Nội tôi cũng không viết gì khác. Tôi nghĩ rằng được sinh ra và lớn lên ở thành phố này đã là may mắn, dù tôi đã viết nhiều lần là Hà Nội chẳng phải của riêng ai, ai cũng có một kiểu Hà Nội của riêng mình. Hà Nội là thành phố văn hóa, ai sống lâu ở đây, đến thời điểm nào đó cũng thăng hoa thành nghệ sĩ, có người hát, vẽ, múa… còn tôi viết văn” - nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ.

Theo ông, thổ nhưỡng, nền tảng văn hóa của Hà Nội đã khiến thành phố này có đông đảo văn nghệ sĩ. Dù vùng đất nào cũng có đặc sắc riêng, nhưng với Hà Nội, sự lãng tử, tài hoa… được coi là “phẩm chất”.

"Thần thánh hóa" Hà Nội

Đối với họa sĩ Lê Thiết Cương, Mặt Chùa là lựa chọn tự nhiên từ sự gần gũi với Phật giáo, đức tin đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách nghệ thuật và con người của ông, với những tác phẩm mang đậm triết lý Phật giáo cũng như sự tĩnh lặng giữa dòng đời xô bồ.

 Khách tham quan thích thú ngắm nhìn và đọc những câu từ được ghi trên mặt nạ

Khách tham quan thích thú ngắm nhìn và đọc những câu từ được ghi trên mặt nạ

“Từ Mặt Chùa, tôi nghĩ ra ý tưởng trên mặt nạ giấy bồi và mặt nạ gốm. Trên các mặt nạ gốm, tôi ghi các câu kinh điển của nhà Phật, còn trên mặt nạ giấy bồi, dù không nghiên cứu văn học Việt Nam, nhưng tôi yêu thích văn thơ giai đoạn thời Lý - Trần, nên chọn các câu thơ nổi tiếng của các thiền sư, nhà thơ thời kỳ này để viết trên mặt nạ” - họa sĩ chia sẻ.

Với nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, người lớn lên giữa những khu chợ Hà Nội, đã chọn Mặt Chợ, như cách để gợi nhớ lại bầu không khí thân quen và hỗn loạn của phố cổ.

Cho rằng “con người chính là số phận của thành phố” và “con phố, món ăn có thể trở thành một nguyên liệu của nghệ thuật”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đưa vào tác phẩm của mình tên những con phố Hàng, món ăn nổi tiếng của Hà Nội…

“Đơn giản là ngày xưa chúng tôi gọi tên người gắn với tên bố mẹ, hoặc tên nghề gia đình, hoặc tên con phố. Đã có những tay chơi nổi tiếng gọi là Cường Hàng Đồng, rồi Thắng Hàng Vải, Trường Hàng Chiếu… Chuyện tên một người gắn với một con phố, hoặc tên con phố gắn với số phận của con người cũng rất dễ hiểu”.

 Hà Nội gắn với những phố Hàng, món ăn, con người...

Hà Nội gắn với những phố Hàng, món ăn, con người...

Tên những con phố cổ, những món ăn ẩm thực truyền thống, những câu văn kinh điển, những câu kinh linh thiêng, được viết trên những gương mặt phố cổ, bởi hình thức kỹ thuật siêu truyền thống, tất cả chỉ nhằm “thần thánh hóa” Hà Nội.

Với các nghệ sĩ, Hà Nội không chỉ là một địa danh với những danh thắng và kiến trúc đẹp, mà còn là một thế giới văn hóa sâu sắc và đa chiều, nơi mà mỗi con người và mỗi đường phố đều mang một câu chuyện đi cùng thời gian.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ha-noi-qua-mat-pho-mat-chua-mat-cho-post390281.html
Zalo