Hà Nội: Phụ huynh mong đợi phương án tuyển sinh theo nơi ở gần nhất
Việc Hà Nội dự kiến phân tuyến tuyển sinh theo vị trí thực tế nơi ở, thay vì theo địa giới hành chính đang được phụ huynh học sinh đặc biệt trông đợi.

Phụ huynh học sinh mong đợi đổi mới trong công tác tuyển sinh đầu cấp
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội đang nghiên cứu ứng dụng bản đồ số GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp, dự kiến triển khai từ năm học 2026-2027.
Theo đó, học sinh sẽ được phân tuyến tuyển sinh theo vị trí thực tế nơi ở, thay vì theo địa giới hành chính như hiện nay.
Theo ông Trần Thế Cương, thông qua hệ thống định vị, nơi ở gần trường nào thì học sinh có thể vào học ở trường đó. Cách làm mới này sẽ giúp giảm áp lực đi lại cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Thông tin này đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều phụ huynh học sinh khi cho rằng việc học sinh được học gần nhà và như thế sẽ đỡ vất vả cho các bé, cha mẹ cũng giảm bớt thời gian đưa đón, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
"Hà Nội làm thế thật tuyệt vời, đó là nguyện vọng chính đáng của học sinh, phụ huynh không riêng Hà Nội mà là tất cả các tỉnh, thành phố. Mong sao Bộ GD-ĐT có văn bản cho tất cả các địa phương thực hiện như Hà Nội" - phụ huynh V.T.N.A chia sẻ.
Hiện tại, học sinh Hà Nội được phân tuyến tuyển sinh theo nơi ở. Học sinh cư trú ở phường, xã nào sẽ được học ở trường thuộc khu vực đó. Tuy nhiên, không ít gia đình ở khu vực giáp ranh, dù gần trường ở nhưng không được học gần nhà do trong diện trái tuyến.
Anh Nguyễn Văn Minh, phụ huynh học sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết, cách tuyển sinh theo tuyến hiện nay đã lạc hậu, cần phải thay đổi bởi vẫn có tình trạng tréo ngoe, nhà gần trường nhưng khác phường thì vẫn phải đi học trường xa nhà.
Ngành giáo dục cần tuyển sinh theo bán kính ưu tiên trường gần nhà nhất là các lớp nhỏ; Tạo thuận lợi cho phụ huynh lẫn học sinh, giảm tắc đường vì duy chuyển chéo nhau vì trường gần nhà lại khác phường.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh theo nơi ở cũng không thể giải quyết hết tình trạng trái tuyến vì còn có sự khác biệt về chất lượng dạy và học giữa các cơ sở giáo dục thì còn xảy ra tình trạng phụ huynh kén chọn và con nhỏ khổ vì ôn luyện.
Để giải quyết vấn đề áp lực chọn trường, chọn lớp, cần phân bổ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất chất lượng đồng đều cho các trường thì sẽ không còn tình trạng học trái tuyến nữa.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết, hiện Phòng đã tiệm cận với phương thức phân bố tuyển sinh theo nơi ở gần nhất cho phụ huynh học sinh. Theo đó, không phải cứ học sinh ở phường nào thì phải học ở trường trên địa bàn phường đó.
"Chúng tôi đã bố trí những hộ dân nơi giáp ranh, gần trường trên địa bàn phường khác sẽ được phân tuyến tuyển sinh học trường gần nhà. Tuy nhiên, biện pháp lâu dài vẫn là đầu tư đồng đều về chất lượng dạy và học cũng như cơ sở vật chất để phụ huynh, học sinh không phải đi học trái tuyến, học xa nhà".
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương, hiện nay, hệ thống trường học, số lớp và cơ sở vật chất trên địa bàn thành phố đang được tăng cường để đáp ứng lộ trình đổi mới, triển khai từ năm học 2026-2027.