Hà Nội kiểm tra thường xuyên, đột xuất chấp hành an toàn, vệ sinh lao động
TP Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện tốt việc cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ngày 7/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND thực hiện Kế hoạch số 278-KH/TU ngày 19/11/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới” trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2025 – 2030, giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm ít nhất 5,5%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động chết người hàng năm ít nhất 5,0%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động thương tật hàng năm ít nhất 5,0%/năm.
Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm. Cùng với đó là, kiểm tra quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động có yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm.
Người lao động tại các cơ sở lao động có yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được trực tiếp tiếp cận thông tin và truyền thông về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống tăng ít nhất 5%/năm.
TP Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm ít nhất 7%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động chết người hàng năm ít nhất 6,0%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động thương tật hàng năm ít nhất 6,0%/năm.
Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 6%/năm; kiểm tra quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động có yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 6%/năm.
Người lao động tại các cơ sở lao động có yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được trực tiếp tiếp cận thông tin và truyền thông về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống tăng ít nhất 6%/năm. Việc triển khai được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Để thực hiện những mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ cùng giải pháp trọng tâm, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, DN và người dân đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Một nhóm giải pháp nữa được Hà Nội triển khai là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn TP. Trong đó có tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để tư vấn chính sách, phân tích đánh giá, hỗ trợ phục vụ công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn TP.
Các cơ quan, địa phương, DN triển khai những hoạt động khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định; nâng cao chất lượng các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh, cơ sở y tế lao động, cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động.
Để giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, TP Hà Nội thực hiện giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra tai nạn lao động. Trong đó, thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của các đơn vị, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng... đặc biệt các lĩnh vực, ngành nghề có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân và DN.
Cùng với việc bố trí nguồn lực Nhà nước và DN đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.
TP Hà Nội khuyến khích DN chủ động đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển đổi số để triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.