Tổng Bí thư Tô Lâm: Loại bỏ cơ chế 'xin-cho' và tư duy bao cấp

Tổng Bí thư yêu cầu đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, loại bỏ cơ chế 'xin - cho' và tư duy bao cấp.

Bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Chúng ta đã tổng kết 40 năm đổi mới và thống nhất cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo đó, một trong những ưu tiên hàng đầu để Việt Nam bước vào “kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển” được Tổng Bí thư lưu ý là, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.

“Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, minh bạch hóa, và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính - ngân sách, và quản lý tài nguyên. Đồng thời, cần tăng tính chủ động, sáng tạo, tự lực và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Bí thư, cần bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực cho phát triển.

Về tư duy đổi mới, Tổng Bí thư lưu ý, cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý các cấp. Thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo minh bạch, đồng bộ, công bằng, và nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ.

Cùng với đó, cần ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế mới và thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ, mục tiêu then chốt để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, Tổng Bí thư yêu cầu: “Coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin - cho” và tư duy bao cấp”.

Cùng với đó, Việt Nam cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm (sandbox) để hỗ trợ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng quan trọng quốc gia

Xác định năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, cần tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm và quan trọng quốc gia, đặc biệt, các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, trên 1.000 km đường bộ ven biển và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Cần thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII, đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế và chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, đặc biệt là hydrogen, điện hạt nhân. Ưu tiên phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số, các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tạo ra các cơ hội mới trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục số, y tế số...

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý đến việc tập trung thực hiện hiệu quả và thực chất công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững cần được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" - Tổng Bí thư khẳng định.

Theo đó, cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp để có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và trình chuyển đổi số.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-bi-thu-to-lam-loai-bo-co-che-xin-cho-va-tu-duy-bao-cap-368626.html
Zalo