Hà Nội đồng hành với xu hướng toàn cầu
Cuối năm 2024, các chuyên gia Pháp đã tới Hà Nội để chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện dự án Grand Paris. Giới chuyên môn và các nhà quản lý rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư 27 tỷ euro trái phiếu xanh một cách nhanh chóng của dự án.
Có thể nói, đầu tư xanh cho phát triển xanh đang là xu hướng toàn cầu và Hà Nội có nhu cầu, cũng như cơ hội để đồng hành với xu hướng này. Ðây cũng là cơ hội để thành phố hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị bền vững và trung hòa các-bon.
Dự án Grand Paris phát triển mới hơn 200 km metro tạo nên vòng tròn kết nốt hàng nghìn kilomet metro. Các phương thức đường sắt đô thị mặt đất, trên cao, mạng lưới xe buýt… làm tăng khả năng kết nối lên gấp 8 lần, tăng cơ hội kiếm việc làm tăng gấp 11 lần.
Ðặc biệt, dự án dành ưu tiên khả năng lưu thông tại khu vực người dân có thu nhập thấp. Ðại dự án đã hoàn thành cơ bản sau 10 năm triển khai (2013-2023) với tổng mức đầu tư 27 tỷ Euro. Dự án được phát triển bằng nguồn vốn đầu tư xã hội, trái phiếu xanh.
Tháng 6/2024, thành phố Hà Nội đã báo cáo Quốc hội nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Ðồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó có đặt mục tiêu triển khai 14 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài hơn 500 km, trị giá hơn 50 tỷ USD.
Vấn đề đặt ra là muốn thu hút vốn đầu tư thì các dự án phải làm rõ rất nhiều nội dung như tính khả thi, hiệu suất sử dụng, khả năng thu hồi vốn… Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút được nguồn vốn trong nước và quốc tế cần phải gắn với mục tiêu phát triển giao thông xanh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho rằng, xu thế chuyển đổi sang giao thông xanh là tất yếu. Tuy nhiên, để hệ thống giao thông công cộng thật sự hiệu quả, Hà Nội cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng như bến bãi, trạm sạc điện, cùng hệ thống kết nối giao thông liên vùng.
Hà Nội đang dự kiến làm 40 km đường sắt đô thị nối Văn Cao tới Hòa Lạc trị giá 2,8 tỷ USD. Nghiên cứu của JICA phân tích, nếu tuyến này có 400.000 khách/ngày thì sau 48 năm khai thác mới hoàn vốn. Thực tế, trong từ 5-10 năm tới may ra mới đạt từ 20-25% công suất.
Nhóm tư vấn hợp tác quốc tế City Solution đề xuất giải pháp làm tuyến xe buýt nhanh chạy trên cao (sky bus), có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 2 giờ xuống dưới 55 phút. Sky bus chạy trùng tuyến với đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc, tổng đầu tư chỉ bằng 20% đường sắt đô thị (khoảng 13.000 tỷ đồng), thi công trong khoảng từ 12-18 tháng, công suất 150.000 khách/ngày. Khi lượng khách tăng tới 20.000 người/ngày thì chuyển sang đường sắt đô thị, lúc đó, tuyến sky bus đổi hướng phục vụ hoặc làm nhiệm vụ "gom" khách cho đường sắt đô thị.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để thu hút được trái phiếu xanh cần cân nhắc nhiều yếu tố nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển xanh toàn cầu. Một trong những chỉ số quan trọng là cải thiện các bất cập nội tại. Ðơn cử như việc thống kê để cho con số chính xác về số người, lượt sử dụng giao thông công cộng hiện tại của Hà Nội.
Việc sử dụng thẻ vé ảo (phi vật lý) cho hệ thống giao thông công cộng Hà Nội là một bước tiến, giúp xác định chính xác khoản hỗ trợ tài chính của thành phố cho từng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Thông qua số liệu có thể định vị khả năng, sự hấp dẫn của các dự án đầu tư hệ thống giao thông công cộng.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh đánh giá, Hà Nội là thành phố đang phải đối mặt nhiều thách thức. Tuy nhiên, Hà Nội có nhiều bài học kinh nghiệm từ thành công và thất bại của các thành phố chung quanh để tìm ra lối đi riêng. Hà Nội đã bắt đầu khởi động dự án khoanh vùng "phát thải thấp" tại trung tâm thành phố để hạn chế xe cá nhân phát khí thải độc hại, cùng với mở rộng phố đi bộ và phát triển không gian công cộng. Hà Nội đang bổ sung hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô và Ðiều chỉnh Quy hoạch chung để trình phê duyệt, các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để cập nhật nội dung pháp lý cho định hướng phát triển đô thị bền vững, trung hòa các-bon.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong quy hoạch Thủ đô, việc giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách. Ô nhiễm và ùn tắc giao thông đang gây cản trở lớn đối với sự phát triển của Thủ đô và cuộc sống của người dân. Quy hoạch mới của Hà Nội tập trung vào ba chuyển đổi chính, trong đó chuyển đổi xanh yêu cầu sự đồng bộ từ nhiều phía. Bên cạnh đó, chủ trương sáp nhập Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông vận tải thành bộ mới có chức năng quản lý đồng bộ thống nhất hạ tầng giao thông với hạ tầng đô thị sẽ giúp Hà Nội có thêm nhiều cơ hội hơn về pháp lý cũng như bộ máy quản lý phù hợp với hành động cụ thể để cư dân Thủ đô di chuyển an toàn, thân thiện hơn trong thành phố.
Nhiều chuyên gia và nhà quản lý có chung quan điểm, chuyển đổi sang giao thông xanh ở Hà Nội không chỉ là câu chuyện dễ hay khó, mà là sự chung tay của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống và thực hiện cam kết của quốc gia về giảm phát thải tại COP26.