Hà Nội: Đổi mới vận hành dịch vụ gửi xe bằng công nghệ
Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ-UBND ngày 8/4/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố, trên địa bàn Thủ đô sẽ có 1.620 bãi đỗ xe công cộng, trong đó có 73 bãi ngầm.
Tại các bãi đỗ xe công cộng, thành phố cho phép bố trí các tiện ích đô thị (trạm xăng dầu, trạm nạp điện, trạm đăng kiểm, bảo trì, bảo dưỡng,...) và kết hợp khai thác, kinh doanh các dịch vụ, thương mại theo quy định, bảo đảm đáp ứng đủ công suất đỗ xe quy hoạch và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
Thực tế còn kém xa nhu cầu
Thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu tổng quỹ đất bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận khu vực đô thị trung tâm ước tính gần 2.050ha, đạt tỷ lệ gần 3,2% tổng diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số bãi đỗ đã và đang đầu tư trên địa bàn Thủ đô mới chỉ tương đương khoảng 5% mục tiêu đề ra; đặc biệt mới chỉ có hơn 1% số bãi đỗ đã hoàn thành xây dựng.
Theo tính toán, vẫn có tới gần 90% trong số khoảng 9 triệu phương tiện vẫn đang phải đỗ tạm bợ tại các điểm đỗ tự phát, tận dụng khoảng đất trống của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, hoặc các khu đất trống tại dự án “treo”,…
Những bức xúc dồn ép của người dân bấy lâu nay đang được “giảm áp” khi bản đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ áp dụng công nghệ mới có nhiều tín hiệu tích cực giúp người dân dần thoát khỏi lệ thuộc vào các bãi đỗ xe tạm thời.
Thống kê sơ bộ, hiện thành phố Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ô-tô và 6,7 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện vãng lai thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Trong khi dân số mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, phương tiện cá nhân tăng khoảng 4-5% (trong đó, riêng lượng ô-tô cá nhân tăng khoảng 10%/năm), thì tốc độ phát triển hạ tầng đô thị của Thủ đô chỉ tăng 0,6%/năm.
Chỉ qua mấy số liệu này, có thể thấy hạ tầng ngày càng bị bỏ xa so với tốc độ gia tăng phương tiện; nhu cầu gửi ô-tô, xe máy tại đô thị trung tâm Hà Nội ngày càng trở nên quá tải.
Theo tính toán của một cán bộ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay, khoảng một nửa hạ tầng giao thông tĩnh của Thủ đô đang phụ thuộc vào các bãi trông giữ xe tạm thời trên vỉa hè, dưới lòng đường. “Khu vực nội thành Hà Nội có gần 600 điểm đỗ xe và bãi đỗ xe tập trung và cũng chừng ấy điểm trông giữ phương tiện tạm thời dưới lòng đường, vỉa hè. Số lượng này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Có thể thấy, năng lực kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh phục vụ người dân thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch”, vị cán bộ này cho biết.
Sau một thời gian triển khai dịch vụ thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ bởi sự minh bạch, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Việc thanh toán phí gửi xe “một chạm” cũng phù hợp với nền kinh tế số, góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tăng cường quản lý nhà nước tại các bãi đỗ, điểm trông giữ xe, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo
Nếu tính cả hơn 1,2 triệu người dân các địa phương khác thường xuyên “bám trụ” Thủ đô sinh sống và làm việc, dân số của Hà Nội ước tính xấp xỉ 9,5 triệu người.
Là đô thị trung tâm, Hà Nội là nơi tập trung số lượng văn phòng, công sở rất lớn, cùng với đó, lượng phương tiện của dân công sở tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại thường xuyên rơi vào cảnh quá tải.
Ở những điểm công cộng, trung tâm thương mại-du lịch cũng thu hút lượng lớn khách tham quan, du lịch, khiến nhu cầu đỗ xe tăng cao, đặc biệt vào cuối tuần và ngày lễ. Còn tại các khu chung cư, trung bình mỗi hộ gia đình sở hữu 1 ô tô và 1-2 xe máy, nhiều khu chung cư hầm gửi xe chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu người dân.
Tối ưu hóa vận hành bãi đỗ
Thời gian vừa qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã làm việc với đơn vị cung cấp giải pháp trông giữ xe thông minh (gồm VETC và Viettel) để thí điểm ứng dụng công nghệ quản lý, điều hành thu phí các bãi đỗ xe. Giai đoạn đầu, các điểm trông giữ xe được trang bị thiết bị đọc RFID với điểm đỗ ô-tô và thiết bị cầm tay ghi nhận biển số xe, máy in vé với điểm đỗ xe máy
Đại diện lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nhận định, tiện ích của ứng dụng công nghệ trông giữ xe không dùng tiền mặt là giúp quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động tại các điểm đỗ xe theo thời gian thực. Mỗi lần xe vào điểm đỗ, hệ thống ghi nhận thời gian xe vào và tự động tính toán số tiền khi ra khỏi điểm đỗ. Do đó, chủ xe sẽ trả đúng giá quy định và không bị thu quá giá vé. Số tiền khách hàng thanh toán sẽ qua đơn vị trung gian là các ngân hàng, trong vòng 24 tiếng sẽ đối soát và chuyển về số tài khoản công ty.
“Khi áp dụng công nghệ này, chủ phương tiện thanh toán rất thuận tiện, trừ trực tiếp qua tài khoản giao thông VETC hoặc quét mã QR động. Việc thanh toán này còn giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, bãi xe chính xác, phí trông xe được thu đúng, thu đủ và triệt tiêu được việc thu trái quy định, thu tiền không xuất chứng từ và hạn chế dùng tiền mặt”, đại diện lãnh đạo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội khẳng định.
Để tạo điều kiện cho đơn vị cung cấp giải pháp trong quá trình thí điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe trên địa bàn thành phố, công ty đã kiến nghị lãnh đạo thành phố, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng xem xét ban hành quy định về cấp giấy phép trông giữ phương tiện theo hình thức áp dụng công nghệ, trong đó quy định thời hạn cấp giấy phép từ 5 năm (hiện tại mới chỉ cấp giấy phép trông giữ phương tiện không quá 3-6 tháng).
Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã triển khai công nghệ tại hơn 150 bãi đỗ thông minh ở Hà Nội và ghi nhận gần 400 nghìn lượt giao dịch trong 3 tháng qua.
VETC cũng mở rộng thêm các tiện ích thông minh ngay trên ứng dụng của mình để hỗ trợ khách hàng như: Tìm kiếm bãi đỗ theo nhu cầu; đặt chỗ trước và trả trước phí gửi xe tự động. Hai tính năng mới này kết hợp với thu phí không tiền mặt đã giúp “gỡ rối” nhiều điểm nóng về bãi đỗ, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và tận hưởng chuyến đi trọn vẹn chỉ trên một nền tảng.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, sau một thời gian triển khai dịch vụ thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, các điểm, bãi trông giữ phương tiện cơ bản hoạt động ổn định; đa số người dân đều đồng tình ủng hộ bởi hạn chế được tiêu cực, thu đúng giá, công khai minh bạch, chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Việc thanh toán phí gửi xe “một chạm” cũng từng bước tạo thói quen không sử dụng tiền mặt của người dân phù hợp với nền kinh tế số, góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tăng cường quản lý nhà nước tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí bãi đỗ không dừng, đến nay Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã triển khai công nghệ tại 151 bãi đỗ thông minh, trong đó 147 điểm triển khai tại nội thành Hà Nội và ghi nhận gần 400 nghìn lượt giao dịch trong 3 tháng qua.
Song song đó, VETC đã mở rộng thêm nhiều tiện ích thông minh ngay trên ứng dụng của mình để hỗ trợ khách hàng như: Tìm kiếm bãi đỗ theo nhu cầu; đặt chỗ trước và trả trước phí gửi xe tự động.
Hai tính năng mới này kết hợp với thu phí không tiền mặt đã giúp “gỡ rối” nhiều điểm nóng về bãi đỗ, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và tận hưởng chuyến đi trọn vẹn chỉ trên một nền tảng. Bên cạnh đó, tính năng thông minh trên ứng dụng VETC còn giúp các bãi đỗ xe gần nhau có thể san sẻ được nhu cầu của khách hàng mà không gặp phải tình trạng quá tải, giúp công tác vận hành bảo đảm an toàn, chất lượng.
Đại diện Công ty VETC cho biết, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục kết nối và phát triển mạng lưới với các bãi đỗ xe, tối ưu và phát triển để tính năng vận hành ổn định, mang lại sự tiện lợi cho người dân khi tham gia giao thông: có thể vừa thanh toán phí gửi xe, vừa tra cứu thông tin bãi đỗ xe trên cùng một nền tảng ứng dụng. Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Thành phố và các cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng diện, quy mô công nghệ mới, từng bước giúp người dân đón nhận, thay đổi hành vi, chủ động tiếp cận dịch vụ và tự phát sinh nhu cầu.