TP Hồ Chí Minh: xây công trình phục vụ nông nghiệp, liên hệ UBND cấp huyện
Người dân có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, chỉ cần liên hệ với UBND cấp huyện để được xem xét chấp thuận địa điểm, quy mô và thời gian tồn tại của công trình.
Thoáng trong việc cho xây dựng công trình phụ trợ nông nghiệp
Chiều 7/11, tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Lâm Thanh Tùng - Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở thuộc Sở Xây dựng đã thông tin về thủ tục, quy trình đăng ký xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp ở TP.
Theo ông Lâm Thanh Tùng, vào ngày 23/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 90/2024/QĐ-UBND quy định về sử dụng một diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Theo đó, việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại điều 131 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng) về xây dựng công trình tạm và được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 89 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng).
Người dân liên hệ UBND cấp huyện để được xem xét chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình theo quy định tại khoản 2 điều 6 quyết định số 90/2024/QĐ-UBND: “UBND cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình (theo quy định tại khoản 2 điều 5 quyết định này) và thời gian tồn tại của công trình theo quy định tại khoản 2 điều 131 Luật Xây dựng”.
Ngoài ra, tại khoản 3 điều 8 quyết định số 90/2024/QĐ-UBND, quy định: “Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND các quận, huyện và Thủ Đức có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện quy định này; nếu phát sinh khó khăn vướng mắc hoặc cần thiết bổ sung thêm quy định cho phù hợp điều kiện thực tế thì UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan có ý kiến gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo đề xuất trình UBND TP xem xét quyết định”.
TP Hồ Chí Minh còn 16 chung cư cấp D chưa di dời
Tại buổi họp, ông Lâm Thanh Tùng cũng cung cấp thêm thông tin về chủ trương giao toàn bộ phần sở hữu chung của chung cư Phú Thọ cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng sửa chữa để bàn giao cho quận Tân Bình nhằm tổ chức di dời các hộ dân tại chung cư 137 và 149-151 Lý Thường Kiệt về tạm cư. Và nguyên nhân những chung cư cấp D trên địa bàn TP chưa di dời.
Theo ông Tùng, vào ngày 5/7, Sở Xây dựng đã có công văn số 6001/SXD-QLN&CS trình Chủ tịch UBND TP về điều chỉnh điều 2 quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 6/3/2012 của Chủ tịch UBND TP về xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với 490 căn hộ tại khu nhà ở Phú Thọ (khu A), phường 15, quận 11 trình UBND TP.
Ngày 15/8, Văn phòng UBND TP có phiếu chuyển số 3959/PC-ĐT chuyển công văn số 6001/SXD-QLN&CS của Sở Xây dựng đến Sở Tài chính. Văn phòng UBND TP đề nghị Sở Tài chính có ý kiến gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND TP. Ngày 30/10, Sở Xây dựng nhận được công văn 8388/STC-CS của Sở Tài chính về liên quan việc điều chỉnh điều 2 quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 6/3/2012 của UBND TP. Hiện tại, Sở Xây dựng rà soát hồ sơ pháp lý, tổng hợp, báo cáo UBND TP.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã có công văn 10359/SXD-QLN&CS ngày 31/10, về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác sửa chữa căn hộ và phần sở hữu chung tại các chung cư thuộc tài sản công do Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng quản lý trình UBND TP, có nội dung kiến nghị chấp thuận giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, như sau: “Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng làm đầu mối, chủ trì thực hiện việc sửa chữa căn hộ và phần sở hữu chung đảm bảo tiến độ theo đề xuất của UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện theo đúng quy định pháp luật hiện hành…”
Đối với chung cư cấp D trên địa bàn TP chưa được di dời, ông Lâm Thanh Tùng cho biết: “Hiện TP có 16 chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm (chung cư cấp D), với tổng số căn hộ khoảng 1.194 căn (trong đó sở hữu Nhà nước 318 căn, sở hữu tư nhân 876 căn).
TP đã thực hiện di dời 674/1.194 hộ dân, gồm: toàn bộ 454 hộ dân tại 8/16 chung cư; di dời dở dang 220/466 hộ dân tại 4/16 chung cư; chưa di dời 4/16 chung cư. Nguyên nhân chưa được di dời tương tự như tại chung cư 137 và 149-151 Lý Thường Kiệt, quỹ nhà tạm cư chưa được sửa chữa nên chưa thể tổ chức di dời người dân đến quỹ nhà tạm cư.