Hà Nội đẩy mạnh truyền thông tiêu dùng bền vững

Hà Nội triển khai đồng bộ truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình quốc gia giai đoạn 2021–2030.

Truyền thông đa kênh, lan tỏa lối sống bền vững đến cộng đồng

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021–2030, Thành phố Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp và hệ thống quản lý các cấp về vai trò, lợi ích của phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Hà Nội tăng cường truyền thông thông qua các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng sản xuất tiêu dùng bền vững. Ảnh: minh họa

Hà Nội tăng cường truyền thông thông qua các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng sản xuất tiêu dùng bền vững. Ảnh: minh họa

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: “Truyền thông là lực đẩy quan trọng trong thay đổi hành vi, hình thành thói quen tiêu dùng có trách nhiệm, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, hướng đến phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường”.

Từ định hướng đó, Hà Nội đã hướng dẫn các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí Thành phố và hệ thống truyền thông cơ sở xây dựng chương trình phối hợp, tổ chức các chuyên mục tuyên truyền về lợi ích và mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững. Nhiều nội dung đã tập trung vào việc khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chuỗi cung ứng xanh theo vòng đời sản phẩm.

Các cơ quan báo chí chủ động phản ánh các giải pháp sản xuất sạch, hiện đại, ứng dụng năng lượng tái tạo, đồng thời hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần. Hệ thống thông tin cơ sở đã tăng cường tuyên truyền tới người dân về phân loại rác, xử lý chất thải sinh hoạt và thay đổi hành vi tiêu dùng, gắn tuyên truyền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thành phố cũng chú trọng truyền thông trực quan, gần gũi: đã in và phát hành 2.000 sổ tay về các mô hình sống xanh, sản phẩm hữu cơ, sinh thái; phát hơn 1.000 lượt clip về lối sống bền vững tại các trung tâm thương mại, bảng quảng cáo LED. Ngoài ra, 5 phóng sự truyền hình và 30 bài viết trên báo điện tử được xây dựng để lan tỏa các thông điệp về sản xuất sạch hơn, nâng cao giá trị sản phẩm và trách nhiệm của người tiêu dùng.

Tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất sạch hơn

Song song với truyền thông đại chúng, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và doanh nghiệp sản xuất cũng được triển khai mạnh mẽ.

Hà Nội đã tổ chức 4 hội nghị phổ biến chính sách và 10 lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn, tiêu dùng bền vững cho hàng trăm lượt cán bộ kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất”- ông Thắng cho hay.

Tại các buổi tập huấn, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ mô hình thành công, kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, qua đó giúp nâng cao năng lực áp dụng thực tiễn cho các đơn vị trên địa bàn.

Lãnh đạo Sở Công Thương thăm qua các mô hình sản phẩm bền vững. Ảnh: HQ

Lãnh đạo Sở Công Thương thăm qua các mô hình sản phẩm bền vững. Ảnh: HQ

Cùng với đó, thành phố tổ chức loạt hoạt động truyền thông môi trường quy mô lớn như: Ngày Nước Thế giới, Ngày Môi trường Thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất, Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Đại dương thế giới… thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng và giới trẻ, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường gắn với tiêu dùng có trách nhiệm.

Hà Nội cũng vận động cán bộ, công chức, người lao động tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, vừa tạo động lực để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và phát triển thương hiệu bền vững.

Các hoạt động truyền thông được lồng ghép linh hoạt với các chương trình lớn của Thành phố như: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình khuyến công, Hỗ trợ sản phẩm công nghiệp chủ lực… tạo nên hệ sinh thái đồng bộ về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, TP. Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững; 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 70 - 80% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy...

Xu hướng chuyển sang sản xuất, sử dụng bao bì xanh đã được các doanh nghiệp Hà Nội triển khai mạnh mẽ. Ảnh: Thu Hường

Xu hướng chuyển sang sản xuất, sử dụng bao bì xanh đã được các doanh nghiệp Hà Nội triển khai mạnh mẽ. Ảnh: Thu Hường

"Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, phát triển hệ thống phân phối bền vững"- ông Thắng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn, phổ biến cho người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường; tiếp tục tổ chức chương trình liên kết, hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường kết hợp với phát động tiêu dùng xanh, bền vững.

Với cách làm chủ động, đa dạng và bám sát thực tiễn, công tác truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang góp phần đưa chủ trương, chính sách của Nhà nước đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước trong giai đoạn tới.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-day-manh-truyen-thong-tieu-dung-ben-vung-388858.html
Zalo