Hà Nội đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn trường học
Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn trường học nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, giúp phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, theo điều tra, rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm năm 2022, trên địa bàn TP có 76.807 cơ sở (tăng 6.028 cơ sở so với cùng kỳ năm 2021).
Thời gian qua, TP Hà Nội đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra, giám sát về ATTP tập trung vào điều kiện ATTP và kiểm soát nguyên liệu đầu vào tại bếp ăn tập thể các trường.
Số cơ sở được kiểm tra 215 cơ sở, trong đó 182 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 84,7%. Các trường đã xây dựng phương án xử lý, khắc phục khi có sự cố về ATTP.
100% danh sách nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm được niêm yết, công khai tại trường.
Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể; các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt.
Về truy xuất nguồn gốc, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện bao gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên.
Về truy xuất nguồn gốc tại đơn vị cung cấp rau, củ, quả, tổng số giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc 9/10 nhà cung cấp; 1/10 nhà cung cấp không thực hiện giám sát kiểm tra truy xuất được do không liên hệ được chủ cơ sở.
Qua giám sát kiểm tra, đa số các trường chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong bếp ăn tập thể, công khai các đơn vị đã được lựa chọn. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa xuất trình được phiếu giao nhận/sổ giao nhận giữa cơ sở và các hộ thành viên đăng ký cung cấp thực phẩm.
Việc thực hành của nhân viên sơ chế, đóng gói chưa được thường xuyên, còn sơ chế và đóng gói nguyên liệu trực tiếp dưới nền nhà. Các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
Các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.
Do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ.
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Tại hội nghị truy xuất nguồn gốc thực phẩm vừa diễn ra, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, công tác ATTP là vấn đề trọng tâm không chỉ của một mình ngành Y tế mà còn là sự phối hợp liên ngành và của toàn thể các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể.
Việc bảo đảm ATVSTP không chỉ đảm bảo sức khỏe con người mà còn góp phần tích cực vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội.
Thời gian qua, TP Hà Nội luôn sát sao quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên hiện nay vấn đề này còn gặp khó khăn như tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTP chưa đầy đủ, các dịch vụ ăn uống tự phát chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng nguồn gốc nguyên liệu chưa rõ ràng; bố trí sắp xếp khu vực chế biến chưa phù hợp, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, trong thời gian qua, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt kiểm soát ATTP các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể trường học, bước đầu đạt kết quả.
Đồng thời, lực lượng chức năng TP cũng đã tăng cường sự tham gia quản lý, kiểm soát của chính quyền, các ban ngành và đoàn thể ở địa phương, đặc biệt phối kết hợp chặt chẽ; điều kiện vệ sinh cơ sở; nhận thức, thực hành của người tiêu dùng được nâng lên…
Bên cạnh đó, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh có sự tham gia cả hệ thống chính trị đặc biệt của người tiêu dùng.
Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đã đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP tới người kinh doanh và người tiêu dùng thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, đài phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp… Ngoài những thành tích đạt được, còn một số khó khăn, tồn tại như chủ cơ sở nhận thức hạn chế, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục ATVSTP Hà Nội kiến nghị các đơn vị, địa phương, cơ sở tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác tự quản lý ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học.
Tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết bảo đảm ATTP, xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP theo phân cấp.
Tổ chức các đoàn giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể với mục tiêu truy xuất tận gốc nơi nuôi trồng, giết mổ, thu hái, đánh bắt.
Các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho trường học nói riêng và bếp ăn tập thể nói chung; tăng cường việc giám sát điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể; xây dựng và hướng dẫn quy trình, phương án xử lý khắc phục khi có xảy ra ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, sự cố về ATTP...