Hà Nội đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống lãng phí

Phòng, chống lãng phí, tháo gỡ nút thắt về pháp lý, đẩy nhanh tiến độ các dự án, được xác định là chìa khóa giúp Hà Nội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6037/QĐ-UBND thành lập "Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội".

Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực của Thành phố.

Quyết liệt phòng, chống lãng phí

Theo Quyết định thành lập, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo với 04 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, quyết tâm đưa nội dung phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên.

Đồng thời, liên tục với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.

Hà Nội đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống lãng phí.

Hà Nội đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống lãng phí.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh-Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Có những dự án kéo dài chục năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. TP. Hà Nội đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, Thành phố đã tiến hành thu hồi.

Về tài sản công, TP. Hà Nội đã tập trung rà soát lại tài sản công để quản lý, tránh gây lãng phí; đặc biệt Thành phố rà soát lại quỹ nhà chuyên dùng. Việc này góp phần xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, chậm về thời gian thực hiện dự án, chưa quản lý hiệu quả các nguồn lực là những điều gây lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí thể hiện một góc nhìn mới về việc phòng chống lãng phí của Thành phố.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có tổ công tác đặc biệt để đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giải quyết hiệu quả. Hà Nội đã tiến hành việc rà soát những dự án chậm tiến độ, quản lý tài sản công trên địa bàn thành phố…

Mới đây nhất, ngày 30/10, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì Phiên họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 5 dự án đầu tư.

Bước đầu, các dự án đầu tư như 148 Giảng Võ, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, Khu Công viên Kim Quy... đã có những chuyển biến tích cực, tháo gỡ nút thắt về pháp lý, đẩy nhanh tiến độ, từ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, phòng chống lãng phí là vấn đề lâu dài, tác động đến quản lý quản trị vận hành của bộ máy.

Vì vậy, cần xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân. Coi việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ hàng ngày.

Khơi thông pháp lý, đẩy nhanh tiến độ dự án là một trong những biện pháp chống lãng phí trên địa bàn Thủ đô.

Khơi thông pháp lý, đẩy nhanh tiến độ dự án là một trong những biện pháp chống lãng phí trên địa bàn Thủ đô.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.

Mục đích của Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội nhằm triển khai thực hiện hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô.

Đặc biệt là nâng cao hiệu quả khai thác tài sản công, nhất là các công trình hạ tầng văn hóa - thể thao, công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; vừa bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác tối đa các giá trị về lịch sử, cảnh quan, văn hóa, du lịch của công trình.

Tiếp đó, HĐND thành phố cũng nhất trí thông qua Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô).

Để triển khai có hiệu quả Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, chống lãng phí, phát huy nguồn lực.

Đồng thời, để duy trì, bảo vệ, giữ gìn tài sản công khi sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết; thì việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Luật Thủ đô.

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-day-manh-cac-bien-phap-phong-chong-lang-phi-1103756.html
Zalo