Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trên 8%
Hà Nội đặt mục tiêu GRDP năm 2025 tăng 8% trở lên. Trong đó, dịch vụ tăng 8,6% trở lên; công nghiệp tăng 7% trở lên; GRDP/người đạt 175 triệu đồng...
Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 25/2, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết "Bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên".
Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu GRDP tăng 8% trở lên. Trong đó, dịch vụ tăng 8,6% trở lên; công nghiệp tăng 7% trở lên; xây dựng tăng 8,9% trở lên; nông nghiệp tăng 3,1% trở lên; thuế sản phẩm tăng 5,7% trở lên.
Các chỉ tiêu khác như: GRDP/người đạt 175 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội 622,7 nghìn tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu tăng 7%; Chỉ số CPI dưới 5%.
Tại phần thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, tại Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 10/12/2024, HĐND thành phố đã thống nhất thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5% trở lên. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Hà Nội đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.

Đại biểu thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội sẽ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như: tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế...
Thành phố cũng sẽ khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 như: Hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố; tuyến đường Tây Thăng Long từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng và dự án thành phần 1 của Dự án Vành đai 4.

Phát triển làng nghề là một trong những giải pháp thu hút khách du lịch
Chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực
Thành phố cũng xây dựng kế hoạch đấu giá, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn và tập trung chỉ đạo triển khai để đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công năm 2025. Trong đó, 5.117 tỷ đồng của các quận, huyện, thị xã giao cao hơn so với thành phố giao.
Đồng thời, rà soát, tháo gỡ các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, phấn đấu có ít nhất 50% số dự án khởi động lại. Phấn đấu vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách tăng trên 18%.
Thành phố cũng tập trung triển khai các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch. Ví như, kêu gọi đầu tư khu thương mại Outlet; đầu tư xây dựng chợ đầu mối – Yên Thường, Gia Lâm; xây dựng đảm bảo 50% số xã có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đưa vào khai thác một số tuyến, điểm đến, mô hình du lịch mới. Có thêm 01-02 tour du lịch Golf hoàn chỉnh, chất lượng; 01-02 khu vực phố đi bộ gắn các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề.
Thành phố cũng theo dõi sát diễn biến thị trường và hàng rào thuế quan của các quốc gia, nhất là chính sách thương mại của Mỹ trong bối cảnh hiện nay; xây dựng các kịch bản thích ứng kịp thời các tình huống, tận dụng các yếu tố thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, thành phố cũng sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, tập trung mở rộng không gian phát triển như chuẩn bị đầu tư hạ tầng để từng bước hình thành Thành phố phía Tây; Thành phố phía Bắc sông Hồng (khởi công Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai); Đẩy nhanh tiến độ Đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Quốc lộ 6; Trục tây Thăng Long.
Đồng thời, chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực gồm Trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục phía Nam.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển các mô hình tăng trưởng mới.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp.
Trình bày báo cáo Thẩm tra, bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội) đề nghị UBND thành phố làm rõ những khâu làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, UBND TP. Hà Nội cần xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương.
Đại diện UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình những nội dung mà Ban Kinh tế- Ngân sách đặt ra.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực quan trọng như: thu hút đầu tư, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, kích cầu tiêu dùng, phát triển du lịch, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…
Sau khi thảo luận, HĐND TP. Hà Nội đã tán thành thông qua Nghị quyết "Bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên".
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị sau kỳ họp UBND thành phố cần khẩn trương hoàn thành công tác sắp xếp để các cơ quan, đơn vị nhanh chóng đi vào hoạt động; không để gián đoạn công việc, bỏ trống lĩnh vực, ảnh hưởng đến công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình phát triển mới. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy trình, đảm bảo các cơ quan, đơn vị được sắp xếp kiện toàn thực sự được “nâng cấp”, “nâng tầm” tạo đột phá về hiệu lực, hiệu quả hoạt động.