Hà Nội đặt mục tiêu đi đầu cả nước về chuyển dịch năng lượng

Đây là thông tin được ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cung cấp tại Diễn đàn chuyển dịch năng lượng Việt Nam 2024 do Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo chủ trì phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức chiều 27/6.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, TP Hà Nội đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

Thời gian qua, Sở Công Thương thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ của Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương triển khai hiệu quả các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo…

Kể từ năm 2023, TP Hà Nội đã vượt TP. HCM, trở thành địa phương đứng đầu toàn quốc về việc sử dụng năng lượng. Đó là thách thức, áp lực của thành phố trong vấn đề cung ứng năng lượng.

Thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 1,6 - 1,8% so với dự báo nhu cầu. Trong đó mục tiêu tiết kiệm điện 2,2%, tiết kiệm 5% tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

TP Hà Nội hướng tới là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững.

TP Hà Nội hướng tới là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có các giải pháp thực hiện, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để có thêm các nguồn năng lượng dự phòng, đồng thời đem lại hiệu quả về năng lượng và môi trường.

“Chúng tôi đã đưa vào vận hành theo quy hoạch và đạt tiến độ xấp xỉ 130 MW điện rác, 65 MW điện mặt trời từ mái nhà người dân và doanh nghiệp, khu công nghiệp… Chúng tôi cũng đang trên lộ trình thực hiện mục tiêu 50% các cơ quan hành chính sẽ lắp hệ thống năng lượng mặt trời và ứng dụng quản lý điều hành thông minh. Trong quá trình thẩm định các công trình mới chúng tôi đã đưa nội dung này vào yêu cầu. Với công trình cũ thì chúng tôi sẽ từng bước cải tạo”, ông Thắng cho biết.

TP Hà Nội cũng ưu tiên lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ mặt trời đối với chiếu sáng ở khu vực ngoại thành và nông thôn.

Bên cạnh đó là quy hoạch các trạm sạc điện cung cấp năng lượng xanh cho các phương tiện giao thông. Hà Nội hiện có trên 2.000 xe bus chạy xăng/dầu, lộ trình đến 2030 thành phố sẽ chuyển đổi 100% sang xe buýt điện và xe buýt LNG/CNG.

“Với những giải pháp nêu trên, TP Hà Nội hướng tới là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững”, vị lãnh đạo Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết.

Cũng tại sự kiện, ông Hoàng Minh Lâm, giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, trong hành trình hướng tới Net Zero (phát thải ròng bằng 0), TP Hà Nội đã triển khai rất bài bản từ các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến chương trình năng lượng tái tạo, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh.

“Thành phố đã làm được những dự án liên quan đến chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả một cách khác biệt. Đơn cử như sự kiện ENTECH HANOI - nơi để các doanh nghiệp giao dịch, quảng bá về công nghệ tiết kiệm năng lượng, chuyển dịch năng lượng", ông Lâm nói.

Sau 15 năm tổ chức, ENTECH HANOI đã thu hút trên 3.000 lượt doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng và môi trường tham gia trưng bày, trên 16.000 sản phẩm dịch vụ, 1.200 thỏa thuận đã được ký kết tại sự kiện với tổng giao dịch trên 200 triệu USD cho thấy đây là hướng đi đúng của TP Hà Nội.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-dat-muc-tieu-di-dau-ca-nuoc-ve-chuyen-dich-nang-luong-1100693.html
Zalo