Chuyên gia nói về kịch bản xanh hóa xe buýt ở Hà Nội

UBND TP Hà Nội trình HĐND Thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Xe buýt điện, xe CNG xe nào sạch hơn?

Tại Đề án này, Hà Nội đề xuất 3 kịch bản cho việc chuyển đổi tới năm 2033. Một là toàn bộ 100% xe buýt điện; Hai là 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG và phương án 3 là 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

Xe buýt điện hút khách sử dụng đi làm thay thế phương tiện cá nhân. Ảnh minh họa.

Xe buýt điện hút khách sử dụng đi làm thay thế phương tiện cá nhân. Ảnh minh họa.

Về 3 kịch bản này, nhiều chuyên gia lĩnh vực cho rằng để giảm phát thải ròng bằng 0 như cam kết của Việt Nam tại COP26, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải buýt nhất thiết phải chuyển sang xe điện thay thế cho xe buýt chạy khí CNG.

Nguyên nhân bởi dù tạo ra ít phát thải hơn, xe chạy CNG vẫn phát thải vào môi trường và sẽ chỉ là giải pháp nửa vời, không thực sự xử lý tận gốc vấn đề phát thải.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, trong quá khứ, một số nước trên thế giới từng sử dụng xe buýt chạy CNG nhưng hiện đã chuyển đổi sang xe buýt điện và phương tiện xanh khác.

Thực tế, xe CNG sử dụng động cơ đốt trong nên sẽ phát thải tại ống xả của xe. Lượng phát thải này có thể thấp hơn một chút so với xe chạy dielsel nhưng không thể nào giảm phát thải bằng 0 so với xe điện.

Khí CNG từng được ca ngợi là giải pháp sạch hơn, tiết kiệm hơn thay thế cho xăng và dầu diesel, nhưng lợi ích môi trường của các phương tiện chạy loại nhiên liệu này trở nên nhỏ bé khi so sánh với xe điện.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng xe buýt CNG phát thải tương đối lớn, chi phí đầu tư cao. Do đó, thời gian tới, khi xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải chuyển đổi sang dùng năng lượng xanh, sạch, tốt nhất nên chuyển sang xe điện để thống nhất chủng loại xe, công tác đầu tư bảo dưỡng sửa chữa thuận lợi hơn, giảm phát thải hoàn toàn.

Theo thông tin của Báo Giao thông, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết, xe chạy CNG vẫn phát thải ra môi trường và tạo ra ít hơn chỉ khoảng 20% lượng khí thải qua ống xả so với xe xăng. Thậm chí, một nghiên cứu của Sở Kiểm soát tài nguyên không khí California cho biết, CNG giảm phát thải thấp hơn diesel chỉ 12-17%.

Chuyên trang về công nghệ bền vững của Nam Phi, Green Economy Journal đánh giá, CNG không phải loại nhiên liệu thực sự "xanh". Các phương tiện chạy bằng CNG cũng có hại cho môi trường tương tự các phương tiện chạy bằng xăng hoặc dầu diesel (quá trình khai thác và xử lý khí tự nhiên sẽ làm rò rỉ lượng đáng kể khí mê tan - loại khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt cao hơn 80 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 20 năm).

Còn một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR) đã nêu ra, khí sinh ra khi đốt CNG có thể không độc hại như khói diesel nhưng có chứa các hạt nano carbon có thể gây ung thư.

Buýt điện thu hút người đi làm

Thông tin về kết quả hoạt động của các tuyến buýt điện trong thời gian qua, ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc VinBus cho biết, đến nay đối tượng khách hàng lớn nhất của xe buýt điện là người đi làm chứ không chỉ chiếm đa số là người già và sinh viên.

Cụ thể theo ông Nhật, thống kê khách hàng sử dụng thẻ tháng của VinBus cho thấy tỷ lệ người đi làm lên tới 89%.

Một lý do khác khiến tỷ lệ người đi làm bằng xe buýt tăng lên đáng kể là thay đổi trong nhận thức về việc giảm phát thải. Người dân dần có ý thức cao hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường, từ đó, ưu tiên lựa chọn sử dụng phương tiện xanh, ít phát thải…

Hai năm đưa buýt điện vào hoạt động dự kiến giảm 50.000 tấn CO2. Tính đến thời điểm tháng 6/2024, VinBus góp phần giảm hơn 40 nghìn tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương trồng 1,45 triệu cây xanh

"Trước đây xe bus được coi là chủ yếu dành cho người già và sinh viên bởi đó là những người có thể có thời gian nhiều hơn, rất ít sử dụng phương tiện cá nhân. Tỷ lệ người đi làm bằng xe bus trước khi đưa VinBus vào vận hành chỉ ở mức 25-30%.

Điều này nói lên rằng khi chúng ta cung cấp một dịch vụ tiện lợi, khách hàng sẽ lựa chọn. Mục tiêu chúng ta cần tập trung nhất chính là những người hàng ngày đi làm, hiện hầu hết đang sử dụng phương tiện cá nhân", ông Nhật cho hay.

Bên cạnh nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Tổng giám đốc Vinbus cho biết, đơn vị này đang hướng tới bước tiếp theo là cung ứng phương thức di chuyển Door-to-Door. Thay vì chỉ đón/trả khách tại các điểm dừng xe bus, VinBus hướng tới việc kết hợp cùng Xanh SM đón/trả khách tận nhà.

Chương trình này hướng tới việc tất cả người dân có thể đo lường được lượng giảm phát thải trên từng chuyến đi mà 100% chuyến đều bằng các phương tiện xanh.

"Xe bus không thể di chuyển từ điểm A đến điểm B, nên chúng tôi muốn kết hợp với các đơn vị khác như xe điện Xanh SM để tạo ra chuỗi cung ứng cho khách hàng", ông Nhật nói.

Về chất lượng dịch vụ, theo ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội, kể từ khi đi vào hoạt động, thông qua phản ánh chất lượng dịch vụ từ dư luận xã hội trên báo chí và mạng xã hội, cũng như qua các buổi kiểm tra khảo sát của trung tâm, hầu hết hành khách có thái độ rất hài lòng.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-noi-ve-kich-ban-xanh-hoa-xe-buyt-o-ha-noi-192240701174547557.htm
Zalo