Hà Nội cứu cây xanh gãy, đổ: Khó nhất là cứu các 'cụ cây'

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, với những cây xanh đường kính nhỏ bị gãy, đổ, nhiều khả năng có thể cứu sống được. Với những cổ thụ, việc cứu, trồng lại rất khó khăn, tỷ lệ sống không cao.

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, mưa gió do bão số 3 khiến hơn 25.156 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố. Cụ thể, có tới hơn 24.800 cây đổ, tập trung nhiều ở các địa phương: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Đáng chú ý, có nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi cũng bị bật gốc, gãy đổ, gắn với nhiều địa danh lịch sử, khiến nhiều người tiếc nuối.

Cây si nhiều năm tuổi gắn với biệt thự 49 Trần Hưng Đạo bị bật gốc. Ảnh: Xuân Tùng.

Cây si nhiều năm tuổi gắn với biệt thự 49 Trần Hưng Đạo bị bật gốc. Ảnh: Xuân Tùng.

Về công tác giải tỏa cây xanh, theo báo cáo của Sở Xây dựng, các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện thực hiện giải tỏa cây gãy đổ do bão số 3 với khoảng 570 người, 80 xe máy các loại, 100 cưa máy, 100 cưa tay.

Đến chiều ngày 8/9, các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện ra hiện trường để giải tỏa, thu dọn đảm bảo giao thông được trên 970 cây đổ, giải tỏa hơn 800 cành gãy.

Liên quan đến công tác khắc phục tình trạng cây gãy, đổ do bão, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo: cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ; vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.

Cùng về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp; hoàn thành trước ngày 15/9/2024.

Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ cần thực hiện cắt cành, tán, đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định; hoàn thành trước ngày 20/9/2024.

Đáng chú ý, khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi bị hư hại do bão, cần cố gắng giữ, trồng lại.

Tại phố Nhà Thờ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi có Nhà thờ lớn Hà Nội, ba cây lớn ngã chắn ngang đường. Nhiều người dân tiếc nuối, bởi đây là một con ngõ đẹp, rất nhiều người chụp ảnh với cây ở Nhà Thờ Lớn. Ảnh: Trọng Tài - Đức Nguyễn.

Tại phố Nhà Thờ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi có Nhà thờ lớn Hà Nội, ba cây lớn ngã chắn ngang đường. Nhiều người dân tiếc nuối, bởi đây là một con ngõ đẹp, rất nhiều người chụp ảnh với cây ở Nhà Thờ Lớn. Ảnh: Trọng Tài - Đức Nguyễn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này, một chuyên gia về cây xanh thành phố Hà Nội cho biết, với những cây xanh có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ, việc cắt cành, di chuyển về vườn ươm trồng lại có khả năng thực hiện được, tỷ lệ sống cao hơn, do vẫn còn là cây trẻ, bộ rễ chưa phát triển hết.

Tuy nhiên, với các cổ thụ, cây có đường kính lớn, việc trồng lại, theo vị này là rất khó vì cây đã sinh trưởng nhiều năm, bộ rễ ít có khả năng tái tạo.

"Đặc biệt với các cổ thụ trăm tuổi, việc trồng lại càng khó khăn hơn, tỷ lệ sống không cao, trong khi cần rất nhiều thời gian, công sức", vị này chia sẻ.

Vị này cho biết, với chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu cụ thể, với các cây có khả năng cứu được sẽ đưa về vườn ươm, chờ bộ rễ phát triển trở lại, khi đó có thể trồng lại ở các vị trí thích hợp.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-cuu-cay-xanh-gay-do-kho-nhat-la-cuu-cac-cu-cay-post1671180.tpo
Zalo