Hà Nội có mức giá đắt đỏ nhất cả nước
Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội tiếp tục có mức giá đắt đỏ nhất.
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2024.
Theo đó, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế – xã hội không biến động nhiều so với năm 2023.
Vùng Đông Nam Bộ có giá cả đắt đỏ nhất cả nước với chỉ số SCOLI năm 2024 bằng 100,37%; vị trí thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng 100%.
Tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 99,98%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 99,05%, Tây Nguyên 97,69% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long 97,11%.

Người dân mua sắm tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Lam Giang
Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội tiếp tục có mức giá đắt đỏ nhất cả nước.
Quảng Ninh giữ vị trí thứ hai với chỉ số SCOLI bằng 99,94% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 3 nhóm có chỉ số giá bình quân cao hơn Hà Nội, bao gồm nhóm thuốc và dịch vụ y tế bằng 109,37%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 104,38%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 100,37%.

Ảnh: Cục thống kê
Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ hai cả nước do là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Đứng thứ ba là thành phố Hồ Chí Minh với chỉ số SCOLI bằng 99,8% Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với thu nhập bình quân đầu người cao kéo theo mức chi tiêu cao nên giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn nhiều địa phương khác.
Tiếp theo là Hải Phòng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2024 bằng 98,43%. Mức giá của Hải Phòng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Hải Phòng là một trong 6 thành phố lớn của Việt Nam, là thành phố có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế.
Thu nhập bình quân đầu người của Hải Phòng thuộc nhóm cao của miền bắc với kinh tế phát triển mạnh về công nghiệp, cảng biển và dịch vụ du lịch.
Đà Nẵng đứng thứ 5 cả nước với chỉ số SCOLI năm 2024 bằng 98,21%, tăng 3 bậc so với năm 2023.
So với năm 2023, vị trí các địa phương có mức giá đắt đỏ trong năm 2024 không có sự thay đổi lớn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mức giá cao hơn các tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm dịch vụ giáo dục; nhà ở thuê; dịch vụ giải trí và du lịch.
Trong khi đó, Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2024 thấp nhất cả nước, bằng 91,46% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Quảng Trị so với Hà Nội trong khoảng từ 78,87% – 113,34%.
Tiếp đến là Bến Tre với chỉ số SCOLI năm 2024 bằng 92,3%. So với Hà Nội, giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre ở mức 76,89% – 107,14%.
Vị trí tiếp theo là Quảng Ngãi với chỉ số SCOLI bằng 92,69% với giá bình quân các nhóm hàng ở mức 81,97%-107,66%.
Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có chỉ số SCOLI năm 2024 thấp như: Cà Mau (93,14%); Nam Định (93,81%); Nghệ An (94,21%); Trà Vinh (94,41%); Gia Lai (94,63%); Long An (94,64%); Sóc Trăng (94,67%); Phú Thọ (94,69%).
“Nhìn chung, các địa phương có mức giá thấp trong cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp”, Cục Thống kê đánh giá.
So với năm 2023, năm 2024 có 25 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 32 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 6 địa phương không biến động.
Trong đó, các tỉnh biến động nhiều nhất (tăng/giảm từ 10-14 bậc) là Bắc Giang, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Thái Bình và Tuyên Quang.
Các địa phương không biến động là Hà Nội, Cao Bằng, Hòa Bình, Hải Phòng, Nghệ An và Trà Vinh.
Theo Cục thống kê, năm 2024, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Do vậy, chỉ số SCOLI năm 2024 của các vùng kinh tế – xã hội không thay đổi nhiều so với năm 2023.
Chỉ số SCOLI là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giữa các vùng kinh tế – xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) theo sức mua tương đương.
Chỉ số SCOLI năm 2024 được biên soạn cho 6 vùng kinh tế – xã hội, trong đó so sánh giá của 5 vùng với vùng Đồng bằng sông Hồng và biên soạn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, so sánh giá của 62 địa phương với Hà Nội.