Cục Đường sắt xin ý kiến đề án phát triển công nghiệp đường sắt

Cục Đường sắt VN đang xin ý kiến góp ý Đề án định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cục Đường sắt VN được Bộ GTVT giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Đề án định hướng phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đưa ra định hướng phát triển cụ thể, các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt về cơ sở vật chất. Đổi mới và chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm để từng bước làm chủ việc chế tạo, sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp đường sắt.

Cục Đường sắt xin ý kiến đóng góp đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ảnh: minh họa).

Cục Đường sắt xin ý kiến đóng góp đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ảnh: minh họa).

Theo Cục Đường sắt VN, việc phát triển công nghiệp đường sắt phụ thuộc rất lớn vào thực trạng công nghiệp sản xuất phụ trợ, nhu cầu và khả năng tham gia của các doanh nghiệp. Do đó, để có đầy đủ thông tin thực tiễn làm cơ sở xây dựng nội dung, giải pháp, tác động của chính sách trong dự thảo Đề án, cơ quan này đề nghị các cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung Đề án.

Theo dự thảo Đề án,mục đích nghiên cứu của Đề án là đề xuất định hướng tổng thể về phát triển công nghiệp đường sắt, đưa ra các định hướng về mức độ làm chủ công nghệ, mức độ nội địa hóa của đơn vị và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cũng như quá trình vận hành, khai thác và bảo trì hệ thống đường sắt hiện hữu và các tuyến đường sắt dự kiến xây dựng mới theo quy hoạch (đường sắt điện khí hóa có vận tốc đến 200km/h, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị) từ nay đến năm 2045; đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ.

Cùng đó, đề xuất tiêu chí để lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó làm cơ sở báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách chuyển giao, tiếp nhận và làm chủ công nghệ bảo trì, chế tạo sản xuất sản phẩm công nghiệp đường sắt.

Đối tượng nghiên cứu của Đề án là lĩnh vực công nghiệp đường sắt bao gồm 4 chuyên ngành: Công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt; Phương tiện đường sắt (đầu máy, toa xe, phụ tùng, phụ kiện); Thông tin, tín hiệu và hệ thống cung cấp điện; Vật tư, vật liệu, thiết bị đường sắt phục vụ cho quá trình xây dựng, vận hành, bảo trì các tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu, các tuyến đường sắt quốc gia xây mới (đường sắt điện khí hóa tốc độ dưới 200km/h và đường sắt tốc độ cao), đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuc-duong-sat-xin-y-kien-de-an-phat-trien-cong-nghiep-duong-sat-192250121181156909.htm
Zalo