Hà Nội 'chốt' phương án còn 15 sở, lập 6 sở mới sau sắp xếp
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội, trong đó thành lập 6 sở mới.
Ngày 25/2, tại Kỳ họp thứ 21 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, với sự thống nhất cao (84/84 đại biểu), HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội thành lập Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Sở Tài chính. Sở Tài chính mới cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở KH&ĐT và Sở Tài chính.
Trước sắp xếp, 2 sở trên có 23 đơn vị trực thuộc, sau sắp xếp sở mới có 17 đơn vị trực thuộc (giảm 6 đơn vị).

Quang cảnh Kỳ họp thứ 21 của HĐND thành phố Hà Nội.
Thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Sở Nông nghiệp và Môi trường kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở NN&PTNT và Sở TN&MT. Trước sắp xếp 2 sở trên có 37 đơn vị trực thuộc, sau sắp xếp, sở mới có 25 đơn vị trực thuộc (giảm 12 đơn vị).
Thành lập Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Sở KH&CN.
Sở Khoa học và Công nghệ kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở TT&TT và Sở KH&CN; trừ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, truyền thông, thông tin điện tử chuyển sang Sở Văn hóa và Thể thao và nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng chuyển sang Công an thành phố.
Trước sắp xếp 2 sở có 21 đơn vị trực thuộc, sau sắp xếp sở mới có 12 đầu mối trực thuộc (giảm 9 đầu mối).
Thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).
Sở Nội vụ cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, người có công, bình đẳng giới từ Sở LĐTB&XH.
Trước sắp xếp 2 sở có 29 đơn vị trực thuộc, sau sắp xếp sở mới có 22 đầu mối trực thuộc (giảm 7 đơn vị).

Các đại biểu thông qua Nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội.
Tổ chức lại Văn phòng UBND TP Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND thành phố.
Văn phòng UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Văn phòng UBND thành phố; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ (trước sắp xếp) và nhiệm vụ của Trung tâm Báo chí Thủ đô thuộc Sở TT&TT.
Trước sắp xếp 2 cơ quan có 17 đơn vị trực thuộc, sau sắp xếp Văn phòng UBND TP Hà Nội có 13 đơn vị trực thuộc.
Thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải (GTVT).
Sở Xây dựng cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Sở Xây dựng và Sở GTVT; trừ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ chuyển sang Công an thành phố.
Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc thành phố và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ.
Thành lập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp TP Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Theo UBND TP Hà Nội, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở đã được rà soát kỹ theo định hướng của Trung ương và được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.
Trong số 16 sở và cơ quan tương đương sở sau sắp xếp, trong đó có 8 sở và cơ quan tương đương sở thuộc diện thành lập mới do hợp nhất, sáp nhập. Sau sắp xếp, Hà Nội còn 15 sở và 1 cơ quan tương đương, giảm 6 sở so với năm 2024.
Các sở và cơ quan tương đương này gồm Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở KH&CN, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Thanh tra Thành phố, Văn phòng UBND thành phố, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Du lịch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố.
Riêng Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Hà Nội đang thực hiện thí điểm theo quy định của Trung ương.
Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, HĐND TP xem xét, quyết định các nội dung liên quan đến công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội.
Trong đó xem xét, quyết định việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính; quyết định điều chỉnh biên chế, chỉ tiêu lao động khối chính quyền và giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị khi thành lập, tổ chức lại theo quy định.
Xem xét quyết nghị mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố năm 2025 tăng trưởng từ 8% trở lên theo kết luận số 123 ngày 14/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 25 ngày 5/2/2025 của Chính phủ.
Đồng thời xem xét về chủ trương đầu tư của 4 dự án đầu tư công rất quan trọng của thành phố gồm: quyết định chủ trương đầu tư dự án cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao TP Hà Nội triển khai dự án cầu Ngọc Hồi; điều chỉnh chủ trương dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.