Hà Nội chịu tác động mạnh nhất của siêu bão từ chiều nay
Từ chiều đến tối 7/9, thành phố Hà Nội sẽ chịu tác động mạnh nhất của siêu bão số 3. Gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, gây gãy đổ cây xanh, hư hại nhà cửa. Mưa lớn kéo dài có khả năng gây ngập úng diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo tổng hợp nhanh từ Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa từ 18 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 7/9 không đáng kể.
Tuy nhiên, từ 7 giờ ngày 7/9, lượng mưa bắt đầu gia tăng và dự kiến chiều 7/9 sẽ có mưa to đến rất to.
Công ty huy động lực lượng triển khai ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng cống thu, vận hành hợp lý các cửa phai của hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối... và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế... để hạ mực nước trên hệ thống theo đúng quy định, sẵn sàng ứng phó siêu bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ chiều và tối 7/9, Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10, có khả năng làm gãy đổ cây xanh, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Người dân không nên ra ngoài trong thời gian này.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội có dông và mưa to đến rất to. Lượng mưa tại các quận, huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh từ 200-300mm, có nơi hơn 400mm.
Lượng mưa tại thị xã Sơn Tây, các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên từ 150-250mm, có nơi hơn 350mm.
Mưa lớn có khả năng gây ngập úng ở một số khu vực thấp trũng ở Hà Nội và vùng thoát lũ huyện Chương Mỹ có thể chịu ngập úng kéo dài; gây ra sạt lở đất ở vùng đồi núi một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai và có thể gây ngập úng diện tích nhiều diện tích cây trồng, nuôi trồng thủy sản...