Hà Nội chính thức thông qua Đề án giao thông thông minh

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2021-2026) đã chính thức thông qua Đề án 'Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội'.

Hệ thống giao thông thông minh là một trong những ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia nhằm hướng tới giao thông an toàn, hiện đại và bền vững. Ảnh minh họa.

Hệ thống giao thông thông minh là một trong những ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia nhằm hướng tới giao thông an toàn, hiện đại và bền vững. Ảnh minh họa.

Mục tiêu và yêu cầu của đề án là định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho thành phố Hà Nội theo từng giai đoạn; trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống...

Về định hướng phát triển theo các giai đoạn, trên cơ sở đánh giá thực tiễn của thành phố Hà Nội kết hợp với ý kiến tham gia góp ý của 3 tập đoàn (VNPT; Viettel; FPT) đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2025-2027) với mục tiêu hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội; trong đó, có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 9/12 chức năng bao gồm: giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Giai đoạn 2 (2028-2030) với mục tiêu mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1. Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: quản lý vận tải; quản lý nhu cầu thu phí nội đô; mô phỏng giao thông). Đồng thời, tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông thành phố tại trung tâm.

Giai đoạn 3 (từ sau 2030) với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh. Đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.

Về nguồn lực đầu tư và phương thức đầu tư, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy để hình thành và phát triển hệ thống giao thông thông minh cần huy động nguồn lực rất lớn và thường xuyên.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) để trình HĐND thành phố vào tháng 12. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, thành phố sẽ có hành lang pháp lý chính thức về các điều kiện và tiêu chí cần thiết, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền địa phương đánh giá thực trạng và khả năng để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về vùng phát thải thấp.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Quy hoạch Kiến trúc và các sở, ngành khác sẽ đánh giá tổng thể các yếu tố về điều kiện, tiêu chí và giải pháp dựa trên thực tiễn và năng lực thực thi của khu vực được đề xuất rồi trình UBND thành phố xem xét, thông qua. Các điều kiện, tiêu chí ở các vùng, các quận, huyện sẽ khác nhau.

Theo lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp năm 2025-2030, Hà Nội lựa chọn khu vực quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp, đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương.

Trong đó, cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2; 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỉ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45%-50%.

Các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-chinh-thuc-thong-qua-de-an-giao-thong-thong-minh-94984.html
Zalo