Hà Nội: cảnh báo cháy rừng, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng cháy

Trong những ngày gần đây, nắng nóng kéo dài, khiến nguy cơ cháy rừng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn ở mức cao. Hiện đang là mùa hanh khô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng, vì vậy, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là điều vô cùng cấp thiết.

Vụ cháy rừng phòng hộ tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: CQCA

Vụ cháy rừng phòng hộ tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: CQCA

Báo động cháy rừng rừng mùa nắng nóng

Trước đó, vào khoảng 15h45 ngày 13/5/2025, trên địa bàn thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xảy ra cháy rừng phòng hộ do UBND xã Minh Phú và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội quản lý, đám cháy nhanh chóng lan rộng ra các khu vực lân cận.

Nhận được tin báo, Tổ địa bàn phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Sóc Sơn đã điều động 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường để chữa cháy. Ngay khi có mặt tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã triển khai quạt thổi, cào, câu liêm để tạo vành đai ngăn cháy; phối hợp với các lực lượng thuộc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, UBND xã Minh Phú, Hạt kiểm lâm… nỗ lực duy trì hoạt động chữa cháy.

Nhờ sự phối hợp nhanh chóng, quyết liệt của các lực lượng chức năng, đến khoảng 17h00 cùng ngày đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Theo thống kê ban đầu, thiệt hại ước tính khoảng 8.700m² (0,87ha) rừng bị cháy, chủ yếu là thực bì dưới tán rừng thông, keo và bạch đàn.

Vụ cháy tuy không gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng ngừa và ứng phó kịp thời.

Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy. Ảnh: CQCA

Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy. Ảnh: CQCA

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 18.519ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 7.593ha, rừng trồng 10.926ha. Tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội đạt 5,57%, phân bố chủ yếu ở 6 huyện, thị gồm Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây với chủng loại cây đa số ở rừng trồng gồm thông, keo, bạch đàn.

Rừng không chỉ cung cấp môi trường xanh, cảnh quan đẹp, không khí sạch cho con người mà còn là nơi có thể làm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Như ở rừng đặc dụng Hương Sơn có diện tích 3.497ha phân bố trên địa bàn 4 xã Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến và An Phú thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội có sự đa dạng sinh học khá lớn và là cảnh quan không thể tách rời với quần thể chùa Hương mỗi năm đón hàng triệu du khách đến tham quan, cúng lễ.

Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc giữ gìn và bảo vệ rừng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hàng năm, nhiều diện tích rừng bị tàn phá bởi cháy, phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cẩn hoặc thiếu ý thức của con người.

Bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta và thế hệ tương lai. Hãy cùng nhau nâng cao nhận thức, hành động thiết thực, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn những vụ cháy rừng đáng tiếc có thể xảy ra. Một hành động nhỏ, một ý thức đúng đắn có thể cứu lấy cả một cánh rừng xanh.

Do đó, Công an TP Hà Nội khuyến cáo mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng lửa nơi rừng và ven rừng: không đốt rác, đốt ong, nấu nướng hay hút thuốc trong rừng; không vứt tàn lửa, tàn thuốc bừa bãi; đồng thời chủ động thông báo ngay cho chính quyền hoặc lực lượng chức năng khi phát hiện có cháy rừng hoặc nguy cơ cháy rừng.

Xác định bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trong mùa khô, mà còn là trách nhiệm lâu dài của cả hệ thống chính trị. Sự chủ động và ý thức chấp hành nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy rừng của mỗi người dân cũng góp phần vào việc bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng. Các cấp, các ngành, nhất là lực lượng Kiểm lâm cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng; chính quyền địa phương chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy rừng.

Thời gian tới, Công an sẽ tiếp tục phối hợp các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân; tổ chức các đợt kiểm tra, tuần tra rừng thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.

Lê Mận

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-canh-bao-chay-rung-nang-cao-y-thuc-va-trach-nhiem-trong-cong-tac-phong-chay-419169.html
Zalo